Theo thông cáo của Sở TTTT, ngày 24-12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: Ai để doanh nghiệp “sỉ nhục chính quyền”? của tác giả Trần Phương . Về nội dung bài viết, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng - Tổ Công tác báo chí cung cấp thông tin như sau:
Bài báo nêu trên dẫn lại các phát biểu của Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Chỉ huy trưởng tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) tại buổi gặp mặt của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với các sĩ quan quân đội, tướng lĩnh đã nghỉ hưu, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, vào chiều 20-12-2017.
Phát biểu của Đại tá Lê Công Thạnh đã nêu lên bức xúc liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, thường được biết đến với danh xưng “đại gia Vũ nhôm” và đặt câu hỏi "...có hay không việc Vũ có lời lẽ hăm dọa cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khi chính quyền thành phố không đồng ý yêu cầu của Vũ về một dự án nào đó?".
Trong diễn biến nội dung của buổi gặp mặt nêu trên, trả lời câu hỏi này của Đại tá Lê Công Thạnh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay: Hiện nay Bộ Công an, đặc biệt là Tổng Bí thư đã trực tiếp yêu cầu Bộ Công an điều tra và trả lời với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị về vấn đề này; và mới đây Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng đã báo cáo với Tổng Bí thư quyết tâm làm rõ việc có hay không tình trạng một số doanh nghiệp tìm mọi cách để can thiệp vào công việc của chính quyền… Tuy nhiên ở bài báo này, những câu trả lời của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tại cuộc gặp mặt các tướng lĩnh Quân đội đã bị cắt xén, trích dẫn không đầy đủ, suy luận một chiều.
Cho đến nay, việc xử lý ông Vũ “nhôm” chưa được các cơ quan chức năng kết luận, việc bài báo đặt vấn đề về mối quan hệ giữa Chủ tịch Đà Nẵng với ông “Vũ nhôm" và chứng minh rằng, ông Thơ “chống lưng” cho đại gia này là kết luận thiếu căn cứ, vội vàng, mang tính quy chụp, suy diễn.
Bài báo đã cố tình đưa thông tin của một vài “cá nhân” để lập luận cho rằng đó là “người dân Đà Nẵng” để làm sai lệch vấn đề: “Đến nay việc thi hành kỷ luật đối với ông Thơ người dân Đà Nẵng vẫn không cảm thấy hài lòng”. Cụ thể, đến nay, chưa có bất cứ công bố, khảo sát nào về chuyện “không hài lòng” của người dân Đà Nẵng liên quan việc thi hành kỷ luật đối với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, mà chỉ là phát biểu của một vài người, không đại diện cho tất cả người dân Đà Nẵng.
Từ những phân tích nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định bài viết “Ai để doanh nghiệp “sỉ nhục chính quyền”?” đã vi phạm Khoản 8, Điều 9, Luật Báo chí “Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…”
Bài báo có nhắc lại vấn đề “cá nhân ông Huỳnh Đức Thơ bị ông Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (tiền thân của Đà Nẵng ngày nay) đã có bức “tâm thư” dài 05 trang với tiêu đề: “Đề nghị xem xét những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ” và đính kèm đường link đến bài báo “Cựu lãnh đạo Đà Nẵng gửi “tâm thư" lên cấp cao nêu đích danh ông Huỳnh Đức Thơ” đăng ngày 23/3/2017 của tác giả Vĩnh Sơn.
Ông Nguyễn Đăng Lâm không phải là người phát ngôn của cơ quan hành chính theo quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9-2-2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, nhà báo, cơ quan báo chí có quyền đăng tải ý kiến của công dân nhưng phải chịu trách nhiệm về lời phát biểu đó khi đăng tải trên báo chí.
Đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về các vi phạm của thành phố Đà Nẵng, trong đó không có hành vi “suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” của cá nhân ông Huỳnh Đức Thơ. Như vậy, thông tin cho rằng ông Huỳnh Đức Thơ “suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” là vô căn cứ, xúc phạm, vu khống uy tín của ông Huỳnh Đức Thơ.
Điều này là vi phạm Khoản 3, Điều 38, Luật Báo chí “Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.