Đoàn TP Đà Nẵng tham dự Hội thảo gồm có ông Lê Trung Chinh, PCT UBND thành phố; ông Lê Minh Trung, PCT HĐND thành phố cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan.
Về phía Nhật bản có Hiệp hội kinh tế vùng Kyushu; đại diện Tổ chức xúc tiến hợp tác kinh tế quốc tế Kyushu; đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Kyushu; các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư vào Đà Nẵng.
Vùng Kyushu bao gồm 7 tỉnh với dân số 13,2 triệu người, chiếm 10% tỷ trọng kinh tế Nhật Bản. Vùng kinh tế Kyushu của Nhật Bản có thế mạnh trong ngành công nghiệp chế biến, sản xuất ô tô, chất bán dẫn, công nghệ sinh học, xử lý chất thải làm sạch môi trường.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu về môi trường đầu tư TP Đà Nẵng đến toàn bộ vùng kinh tế Kyushu và đặt nền tảng để mở rộng quan hệ hợp tác với Liên đoàn kinh tế vùng Kyushu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trung Chinh cho rằng, trong những năm gần đây, nhờ vào những cải cách kinh tế mạnh mẽ và thúc đẩy quan hệ giao thương với toàn cầu, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á... Đà Nẵng là một trong năm thành phố lớn nhất ở Việt Nam trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên.
Với nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, trong những năm gần đây TP Đà Nẵng được biết đến không chỉ là một điểm đến du lịch mới nổi mà còn là một địa điểm đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, vào tháng 11 năm 2017, Đà Nẵng vinh dự được lựa chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và nhà đầu tư các nước thành viên, trong đó có Nhật Bản.
Tại Đà Nẵng, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư xếp thứ nhất về số dự án đầu tư với 170 dự án và đứng thứ 2 về tổng số vốn đầu tư đăng ký với 678,9 triệu USD. Phần lớn các dự án của Nhật Bản tại Đà Nẵng đều hoạt động tốt, đóng góp tích cực vào việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Chính vì vậy, Đà Nẵng quan tâm mời gọi các nhà đầu tư từ Nhật Bản có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến tìm hiểu về môi trường đầu tư và cơ hội hợp tác tại thành phố Đà Nẵng.
Ông Chinh hy vọng hội thảo này sẽ cung cấp được đến các nhà đầu tư Nhật Bản các thông tin về lợi thế khi đầu tư tại Đà Nẵng cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn của Đà Nẵng dành cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ, y tế, giáo dục… Chính quyền TP Đà Nẵng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Hồng, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Fukuoka cho rằng, trong những năm gần đây, quan hệ giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với vùng Kyushu đang ngày càng phát triển mở rộng và đi vào thực chất, chiều sâu. Trong năm 2018, đã có đoàn lãnh đạo của 11 tỉnh thành phố của Việt Nam, trong đó 3 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng đã thăm vùng kinh tế Kyushu. Tuy nhiên, quan hệ giao lưu và hợp tác giữa các địa phương còn chưa xứng tầm với tiềm năng và nhu cầu phát triển của địa phương hai nước.
“Hy vọng rằng Hội thảo xúc tiến đầu tư vào vùng kinh tế Kyushu hôm nay do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sẽ giúp doanh nghiệp vùng Kyushu hiểu rõ hơn về Đà Nẵng - trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam. Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nơi hội tụ nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, chi phí đầu tư cạnh tranh, nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường sống, có tiềm năng phát triển lớn trong các lĩnh vực hợp tác như: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, CNTT, dịch vụ, giáo dục đào tạo và y tế….
Phát biểu về môi trường đầu tư tại Việt Nam và các ưu nhược của môi trường Đà Nẵng nhìn từ góc độ doanh nghiệp Nhật Bản, ông Saito Masayuki - Giám đốc Công ty VCC nhận định, sức hút của TP Đà Nẵng đến từ ba yết tố, gồm: khả năng tăng trưởng, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Từ năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Đà Nẵng trong khoảng 9%, thuộc top tăng trưởng cao của Việt Nam. Số lượng khách du lịch tăng 15 lần kể từ năm 2011. Năm 2018, số lượng khách du lịch đạt mốc 7.000.000 người (so sánh với Hawaii: 9.400.000 người).
Về cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng trang bị đầy đủ môi trường Internet; đường phố được xây dựng theo quy hoạch, không ùn tắc. Cung cấp điện ổn định.
Về nhân lực, nhiều cơ quan giáo dục, trong đó phải kể đến Trường Đại học Đà Nẵng; nhiều nhân sự cấp cao đang theo học tiếng Nhật; nguồn nhân lực và ngành nghề đào tạo đa dạng, từ ngành CNTT đến ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những thách thức như: Ngành công nghiệp phụ trợ; thủ tục hành chính; sân bay quốc tế quá tải; nhân sự cấp cao; sự phát triển của các khu vực lân cận; bất động sản tăng nhanh…
Tại phiên thảo luận, các nhà đầu tư Nhật Bản đặt nhiều câu hỏi cũng như trao đổi với lãnh đạo TP Đà Nẵng, như: Vấn đề giáo dục tiếng Nhật tại các trường đại học, phổ thông và mầm non tại Đà Nẵng như thế nào? Vần đề mở rộng quan hệ với các địa phương khác của Nhật Bản (ngoài thành phố Saikai)? Các thủ tục đầu tư trong lĩnh vực y tế?…
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Hội thảo tại Fukuoka lần này là sự kiện xúc tiến đầu tư mở đầu của năm 2019. Thông qua hội thảo lần này, hy vọng Đà Nẵng đã trực tiếp đưa tới tay các nhà doanh nghiệp Nhật Bản các thông tin mới nhất về lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư và các chính sách ưu đãi của thành phố. Đà Nẵng đang liên tục nỗ lực đưa ra các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng xem Đà Nẵng là nơi đáng sống và đáng đầu tư.