Theo báo cáo gửi Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, qua rà soát, TP Đà Nẵng nhận thấy được những vi phạm trong quản lý nhà nước về đầu tư, đất đai, xây dựng… đối với dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng.
Tuy nhiên, do đây là tài sản thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa nên không thể thu hồi lại khu đất này để khắc phục các sai phạm đã xảy ra trước đây.
Bên cạnh đó, với những vướng mắc trong việc thi hành án liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng của thành phố cho thấy quá trình thi hành án sẽ kéo dài gây lãng phí nguồn lực của thành phố, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, người được thi hành án, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của nhân dân Đà Nẵng.
Cũng trong ngày 27-11, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án (THA) dân sự TP Đà Nẵng, cũng có Báo cáo 86/BCĐ-CTHADS gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp liên quan đến những vướng mắc trong thi hành án liên quan đến sân vận động Chi Lăng và Phạm Công Danh.
Theo đó, trong quá trình triển khai bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đối với phần nghĩa vụ dân sự liên quan quyền sử dụng đất tại khu phức hợp sân Chi Lăng, cơ quan THA dân sự TP Đà Nẵng đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, 10 giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại sân Chi Lăng đều được cấp thời hạn sử dụng lâu dài. Theo Luật Đất đai thì sân Chi Lăng thuộc diện đất thương mại, được cấp đất có thời hạn. Có bốn lô đất thuộc giai đoạn 2, chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.
Ban chỉ đạo THA dân sự TP Đà Nẵng cũng nêu ra nhiều khó khăn khác như nhiều hộ dân, cơ sở kinh doanh chưa đồng ý với phương án thu hồi của thành phố và chưa bàn giao mặt bằng. Khu đất sân Chi Lăng cũng chưa có phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng để xây dựng theo mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
“Do đó, khi xử lý tài sản kê biên để thi hành án thì tổ chức, cá nhân nếu mua lại những tài sản này, kể cả các ngân hàng đang nhận thế chấp, cũng không thể đưa vào sử dụng vì bắt buộc phải phù hợp quy hoạch chi tiết. Điều này sẽ khiến cho các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thể thực hiện được”, ông Huỳnh ĐứcThơ nêu trong văn bản. |
Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất TP Đà Nẵng thực tế thu nộp ngân sách khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đều là dạng ngân hàng 100% vốn nhà nước. Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng để cho phép thành phố thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các khu đất tại sân vận động Chi Lăng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ TN-MT và các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ và phối hợp với UBND TP Đà Nẵng có hướng dẫn kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc Đà Nẵng xin giữ lại sân Chi Lăng là “xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và nhân dân thành phố”.
Năm 2010, thực hiện chủ trương di dời sân vận động ra khỏi trung tâm thành phố và dành khu đất tại khu vực sân vận động Chi Lăng để phục vụ mục đích phát triển kinh tế, TP Đà Nẵng đã có chủ trương thu hồi khu đất này để kêu gọi đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ. Quá trình kêu gọi đầu tư vào năm 2010, thành phố chỉ nhận được đề nghị tham gia đầu tư dự án của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Chính vì vậy, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lập thủ tục giao khu đất này cho tập đoàn Thiên Thanh. Để triển khai thực hiện dự án này, tập đoàn Thiên Thanh đề nghị tách thửa cho các công ty thành viên và được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận. Từ thời điểm được thành phố chấp nhận cho tập đoàn Thiên Thanh đầu tư dự án tại khu vực sân Chi Lăng đến nay, dự án này chưa được triển khai thực hiện, nhà đầu tư chưa làm bất kỳ thủ tục nào để đăng ký đầu tư đối với dự án mà khu đất này được tách 14 lô và được UBND thành phố cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của tập đoàn Thiên Thanh vào ngày 28-1-2011. Năm 2013, 2014, các công ty này đã thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô đất này để vay vốn tại ngân hàng. Năm 2016, Phạm Công Danh bị TAND TPHCM đưa ra xét xử và tuyên án hình sự sơ thẩm và bản án này được xem xét theo trình tự phúc thẩm ngày 24-1-2017. Theo bản án này, các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng tòa yêu cầu “tiếp tục kê biên 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam để quản lý theo quy định về tài sản bảo đảm; giải tỏa 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Láng Hạ để quản lý, xử lý theo quy định về tài sản bảo đảm. Các ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn các khoản vay của các công ty theo hợp đồng tín dụng”. |