Đà Nẵng xây dựng thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” trong giai đoạn mới
SGGPO
Ngày 3-6, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo chuyên đề về mục tiêu, định hướng chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an”.
Theo báo cáo tại hội thảo, đối với chương trình "5 không", mục tiêu "không có hộ đói” sau 2 năm, thành phố Đà Nẵng chuyển sang “không có hộ đặc biệt nghèo”, đến nay, cơ bản không còn những hộ nghèo đặc biệt khó khăn như tên gọi của chương trình.
Mục tiêu “không có người mù chữ” chuyển sang “không có học sinh bỏ học” được tập trung phổ cập tất cả các cấp học, nhất là không để học sinh phải nghỉ học vì lý do kinh tế luôn được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và toàn xã hội quan tâm và đạt được những kết quả thiết thực.
Mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” được duy trì hàng ngày, hàng giờ và trở thành thương hiệu của thành phố Đà Nẵng được du khách bạn bè gần xa biết đến.
Mục tiêu “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng và không có giết người để cướp của” là nhiệm vụ khó, nhưng với sự vào cuộc quyết tâm tích cực của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đột phá nên tình trạng người nghiện được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng giết người để cướp của giảm đến mức thấp.
Các đơn vị tăng cường giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực chợ Cồn
Với 15 năm thực hiện chương trình "3 có" với mục tiêu “Có nhà ở”, thành phố Đà Nẵng đã tập trung đầu tư xây dựng các khu ký túc xá cho sinh viên, khu nhà ở cho công nhân, khu chung cư và đã giải quyết bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ đã góp phần giảm tải áp lực về chỗ ở cho người dân an cư mới lạc nghiệp. Hàng năm, bình quân giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động góp phần tạo việc làm tăng thu nhập ổn định cuộc sống cho người lao động.
Mục tiêu “Có nếp sống văn hóa văn minh đô thị gắn với Chỉ thị 43 của Thành ủy” đã được triển khai quyết liệt, với nhiều biện pháp được tăng cường về xử lý hành chính cũng như xử lý hình sự đối với các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm.
Hội chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng tổ chức phát xà phòng miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn
Năm 2016, Đà Nẵng đề ra chương trình thành phố 4 an: “an ninh trật tự - an toàn giao thông - an toàn thực phẩm - an sinh xã hội” đã đạt được kết quả nhất định ở các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng, chỉnh trang, xử lý các điểm đen giao thông, nút giao thông tránh ùn tắc và tăng cường lực lượng kiểm tra xử phạt trên 200 ngàn trường hợp; thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm độc lập, lực lượng kiểm tra nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thức an, sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm...
Ban ATTP thành phố Đà Nẵng niêm phong sản phẩm và kiểm tra nguồn gốc thực phẩm
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay 3 chương trình này được xem là những chương trình có tính nhân văn, là nét riêng có của thành phố Đà Nẵng. Nhờ chương trình này mà sự phát triển kinh tế xã hội đô thị và đời sống nhân dân thay đổi theo chiều hướng tích cực, rõ nét.
“Các chương trình này được nhiều tỉnh thành học tập và đạt được những kết quả trên thực tế, có sự lan tỏa tác động rất lớn và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân”, ông Chinh chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đà Nẵng còn phải đối mặt với các vấn đề xã hội hiện nay như: tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại; người xin ăn biến tướng, người nghiện sử dụng các loại ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa có xu hướng gia tăng; tình trạng lạm dụng ma túy, rượu bia, bạo lực gia đình, cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, cho vay mượn kiểu “tín dụng đen” dẫn đến giết người cướp của; nhu cầu giải quyết việc làm, nhà ở, các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân... đang là vấn đề bức xúc đặt ra trong thời gian đến.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, trong 3 chương trình, chương trình thành phố "5 không" có vị trí quan trọng, bởi đây là chương trình phát động sớm và hầu hết các mục tiêu trong chương trình này được xem là tiền đề của nhiều mục tiêu trong chương trình thành phố “3 có” và “4 an”.
Bên cạnh đó, ông Tiếng cũng đề xuất tích hợp các mục tiêu chưa hoàn thành của chương trình "5 không", "3 có" tiếp tục đồng hành với chương trình thành phố “4 an”. Chẳng hạn như, tích hợp các mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, “có nhà ở” và “có việc làm” vào mục tiêu “an sinh xã hội” trong chương trình thành phố "4 an", đồng thời tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu “an sinh xã hội” năm 2020, trong đó hướng mạnh đến việc tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều, Đà Nẵng có thể yên tâm kết thúc vai trò lịch sử của mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo” trong chương trình thành phố “5 không”.
Chuyến xe công đoàn là một trong những hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn có thể về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán
Với đề án “xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị ” trong chương trình "3 có" gắn với thực hiện chỉ thị 43-CT/TU, ông Nguyễn Hữu Chiến, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng cho rằng, một số mô hình của đề án rơi vào tình trạng trùng lặp, hiệu quả thấp, gia tăng tỷ lệ đạt nhưng tính lan tỏa trong cộng đồng không cao. Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ và các hội nhóm đã quan tâm nhiều hơn tới việc thay đổi nhận thức và hành vi xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị.
Tuy nhiên, chính quyền các cấp chưa tiếp cận, phát huy sự tham gia theo hướng xã hội hóa đối với nhóm này. Vì vậy, ông Chiến đề nghị tiếp tục điều chỉnh và cập nhật nội dung nhằm ban hành triển khai đề án trong giai đoạn mới với tên gọi “Xây dựng thành phố Đà Nẵng Văn hóa - Văn Minh” theo chu kỳ 5 năm.
Ngày 28-12, cán bộ, chiến sĩ Công an phường Nại Hiên Đông phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Quân sự phường, Chi đoàn Thanh niên Công an quận Sơn Trà ra quân thực hiện chương trình "Đồng hành cùng ngư dân", góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, vận động phụ nữ bỏ thói quen tụ tập đánh bài...
“Xây dựng Văn hóa - Văn minh đô thị là công việc lâu dài và không kết thúc. Thành phố Đà Nẵng sẽ có sự mở rộng địa bàn đô thị và sự gia tăng dân số cơ học do xu hướng toàn cầu hóa, nhập cư và sự phát triển của kinh tế du lịch. Đây sẽ là áp lực lớn cho việc hài hòa giữa các lối sống, nếp sống khác nhau cũng như áp lực cho việc giải quyết cân bằng giữa hạ tầng đô thị với dân số”, ông Tiếng nhìn nhận.
Tại hội thảo này, với kinh nghiệm từ cơ sở thực tiễn, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ đã chia sẻ các ý kiến về định hướng các mục tiêu chương trình trong thời gian: mục tiêu nào tiếp tục duy trì, mục tiêu nào cần điều chỉnh hoặc bãi bỏ và bổ sung thêm mục tiêu nào cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay theo định hướng Nghị quyết 43 và định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ (2020-2025).