Nâng cao vị thế của Đà Nẵng
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng, cho biết với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện chức năng tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng trong việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Sở nhận thấy sự quan trọng và cần thiết của việc xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện phát triển đổi mới sáng tạo. Tọa đàm không chỉ giúp xây dựng Đề án Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo mà còn là mở lối cho việc xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển các thành tố trong hệ sinh thái và nâng cao vị thế của Đà Nẵng trên trường quốc tế với vai trò là trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo ThS. Huỳnh Sang, đại diện Phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH-CN Đà Nẵng), doanh nghiệp là lực lượng trung tâm của nền kinh tế và hệ thống đổi mới sáng tạo. Do đó các chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tức là hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Hiện Sở KH-CN Đà Nẵng đang triển khai các chính sách như chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 đã hỗ trợ 32 lượt doanh nghiệp, vườn ươm với kinh phí là 6,1 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 hỗ trợ 21 nhãn hiệu trong nước, 2 nhãn hiệu nước ngoài, 19 sáng chế, 2 kiểu dáng công nghiệp với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ từ năm 2017 tới nay, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ 77 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí 9,371 tỷ đồng… Đặc biệt, vừa qua, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó, có 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
“Thực tế, quá trình tham gia thực hiện chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có nhiều quy định đã ban hành nhưng doanh nghiệp, các đơn vị chưa thụ hưởng. Nguyên nhân chính là do một số chính sách có thuật ngữ chưa rõ ràng dẫn đến mơ hồ về đối tượng thụ hưởng cũng như chồng chéo bởi nhiều cơ quan, đơn vị ban hành”, ông Sang chia sẻ.
Phát triển ngành công nghiệp sáng tạo
PGS.TS Trần Ngọc Ca, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng với tiềm năng trở thành trung tâm lớn về du lịch cao cấp, đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng cần tập trung cung cấp với khối lượng lớn, chất lượng cao các sản phẩm và dịch vụ sinh hoạt, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, vui chơi giải trí. Tiếp cận phát triển theo chùm xoay quanh du lịch biển. Có thể đẩy mạnh nội địa hóa cung cấp các sản phẩm phục vụ cho du lịch cao cấp. Tận dụng triệt để những nguồn lực của các trung tâm xuất sắc đã có tại địa bàn và vùng di sản dọc miền Trung (Huế – Đà Nẵng – Nha Trang – Đà Lạt) như y sinh (Huế), hoa – rau (Đà Lạt), CNTT và công nghiệp (Đà Nẵng), thủy sản (Nha Trang); đồng thời liên kết chiến lược với một số địa bàn đổi mới sáng tạo quốc tế.
Bên cạnh đó là phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo như một nòng cốt không thể thiếu cho thành phố đổi mới sáng tạo. Lựa chọn một số đối tác chiến lược hoặc tập đoàn đầu tư lớn (chủ đạo) để làm đầu tàu lôi kéo các nhà đầu tư khác, kể cả trong và ngoài nước.
Đề cập đến việc thực hiện thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trên địa bàn TP Đà Nẵng trong Nghị quyết 136, theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Công ty Giải pháp Acronics, cơ chế “sandbox” là thắng lợi lớn của địa phương, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khoa học công nghệ thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề, khi có công nghệ thì việc đầu tiên được hỏi là giấy phép, ví dụ trong tiêu chuẩn 70% mới được cấp phép thử nghiệm, nhưng từ 0% – 70% doanh nghiệp thử nghiệm ở đâu, như thế nào.
Tương tự, ông Lê Việt Trung, Giám đốc Công ty TED Technology, thắc mắc nếu doanh nghiệp thử nghiệm trong khu vực “sandbox” của Đà Nẵng thì có được coi như một nghiên cứu khoa học, có giấy chứng nhận để có thể triển khai ở các địa phương khác trên cả nước hay không. Dẫn chứng về đặc thù của doanh nghiệp, sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp thì cần giấy tờ của Bộ NN-PTNT, nhưng hiện tại thì ngay cả Bộ cũng chưa có quy định cụ thể. “Chúng tôi đã thử nghiệm ở các hộ nông dân Tây Ninh, nhưng khi Sở NN-PTNT tỉnh muốn triển khai đại trà thì không có giấy tờ”, ông Trung chia sẻ.