Đà Nẵng: Xanh hóa để phát triển

Theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 1 KCN đáp ứng các tiêu chuẩn KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia. Mặc dù những tiêu chí, yêu cầu của mô hình này với cả địa phương và doanh nghiệp sẽ có những khắt khe nhưng về lâu dài, việc sản xuất sẽ bền vững.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các đoàn đi thăm, động viên các doanh nghiệp, nhà máy để nắm tình hình
Lãnh đạo TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các đoàn đi thăm, động viên các doanh nghiệp, nhà máy để nắm tình hình

Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là nhà máy bia đầu tiên tại khu vực miền Trung nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo và áp dụng mô hình sản xuất xanh – sạch theo định hướng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc công ty cho biết, đơn vị đã triển khai mô hình liên kết cộng sinh công nghiệp với các doanh nghiệp khác tại địa phương nhằm tối ưu chi phí, đồng thời giảm chi phí xử lý chất thải, góp phần hướng tới phát triển bền vững. Đơn vị đã triển khai mô hình liên kết cộng sinh với Công ty Năng Lượng Xanh (GE), thay thế việc sử dụng dầu diesel sang các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ gạo, gỗ băm, gỗ vụn... Qua đó giúp giảm đến 44% lượng phát thải CO2 tại nhà máy so với việc sử dụng dầu diesel để tạo nhiệt.

z5200960034154-4f3b5e7a670c6627926656600298580a-8000.jpg
Một dây chuyền nhỏ của Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng

Để giảm thiểu phát thải Biogas phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải, nhà máy đã tái sử dụng Biogas bằng cách cung cấp Biogas làm nhiên liệu đốt cho quy trình sản xuất hơi nước của Công ty Năng Lượng Xanh (GE). Mô hình không những giúp Nhà máy giảm thiểu chi phí xử lý chất thải, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.

“Đơn vị đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhà cung cấp hơi nước, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhà máy sản xuất nhiệt năng tái tạo từ sinh khối sát cạnh nhà máy bia, góp phần giảm thiểu việc phát thải CO2 ra môi trường, đồng thời hỗ trợ trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”, ông Phúc nói.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (Khu công nghiệp Liên Chiểu, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) thực hiện phân loại, xử lý, tận dụng đưa vào tái sản xuất triệt để phế phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng Ban bảo hộ lao động - Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, việc thực hiện quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường về việc thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ là 5% sản phẩm tiêu thụ trên thị trường từ ngày 1-1-2024. Hiện đơn vị có 1 nhà máy chuyên xử lý lốp cũ đắp lại và tận dụng cao su đã qua sử dụng để làm nguyên liệu các sản phẩm ít có tính kỹ thuật như mái che, tấm lợp.... Nếu không thể tái chế, đơn vị sẽ thuê một đơn vị trung gian có chức năng hoặc nộp chi phí cho nhà nước về bảo vệ môi trường để thay cho doanh nghiệp thực hiện.

anh-2-2375.jpg
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng

Không chỉ vậy, Công ty đã sử dụng 100% đốt lò hơi bằng mùn cưa, bột bào thân thiện môi trường. Đồng thời hợp tác đầu tư hơn 5MW năng lượng điện mặt trời nhằm làm cho tăng trưởng kinh tế giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mỗi tháng đơn vị tốn khoảng 100 triệu cho nhân công trồng, chăm sóc toàn bộ 30ha cây xanh, thảm cỏ. Đặc biệt, thứ 3 hằng tuần trở thành ngày môi trường của công ty. Từ lãnh đạo đến nhân viên dọn vệ sinh trước tiên ở khu vực sinh hoạt, làm việc của mỗi người; tham gia nhặt rác cùng các đoàn thể…

“Rõ ràng phát triển xanh, bền vững tốn chi phí khá lớn, tuy vậy đây là những hoạt động đầu tư cho tương lai và đơn vị cũng xác định dựa vào các yếu tố bền vững để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn. Thậm chí, đây cũng là tiêu chí chấm chọn của những khách hàng lớn là nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế đến từ EU, Mỹ,… Các tiêu chí này là bắt buộc, nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ có nguy cơ bị mất thị trường”, ông Đoàn nhìn nhận.

DSC07846.jpg
Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng phối hợp tập huấn Tăng cường năng lực về chuyển đổi mô hình KCN sinh thái

TP Đà Nẵng hiện có 6 KCN, 1 khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động; đang đầu tư KCN hỗ trợ khu công nghệ cao Đà Nẵng và 3 KCN mới.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng nhìn nhận, địa phương có thuận lợi khi KCN Hòa Khánh từng được chọn thí điểm thực hiện mô hình KCN sinh thái trong giai đoạn 2015 – 2019. Đến nay, KCN Hòa Khánh đã triển khai một số hoạt động như hỗ trợ đánh giá RECP cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện từ năm 2016 - 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng các giải pháp ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm gần 50.000m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.

anh-3-515.jpg
Một góc của Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Đặc biệt, Khu công nghiệp có 1 liên kết cộng sinh công nghiệp tiềm năng giữa Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng và CTCP Đầu tư Sản xuất Năng lượng xanh.

Tin cùng chuyên mục