Bắt kịp xu hướng
Trước xu thế chuyển đổi số ở nhiều ngành, lĩnh vực song nguồn nhân lực đào tạo hàng năm còn thiếu hụt, để nắm bắt cơ hội, các trường học tại TP Đà Nẵng đã chuyển mình để thích ứng, giúp học sinh, sinh viên ra trường có kỹ năng, việc làm. Hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy.
Là đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), để thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển chuyển đổi số, trường đã tổ chức đào tạo một số ngành như công nghệ thông tin, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, thiết kế mỹ thuật số, mạng và an toàn thông tin, công nghệ kỹ thuật máy tính và điện tử, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số (e-Tourism), quản trị logistics và chuỗi cung ứng số, quản trị tài chính số, marketing kỹ thuật số... với 1.500 chỉ tiêu trong năm 2022.
Tương tự vậy, theo PGS.TS Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, gần như ngành nào cũng liên quan đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số nên lực lượng IT luôn được săn đón hằng ngày. Thay về thiết kế trên giấy nay đã chuyển sang thiết kế qua các phần mềm, dự toán.
Trong đó, trường vừa thành lập Khoa Công nghệ số đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, triển khai các dự án nghiên cứu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu CMCN 4.0. Bên cạnh đó, còn có ngành tự động hóa, IoT (Internet vạn vật), cơ điện tử (cơ khí - điện tử - CNTT), công nghệ Robot (sắp đến)… với hơn 350 chỉ tiêu/ tổng số gần 1300 chỉ tiêu trong năm qua.
“Là trường truyền thống về CNTT, đơn vị có kinh nghiệm khi xây dựng các chương trình đào tạo mới khá thuận lợi. Tuy nhiên, thị trường nhân lực chuyển đổi số chưa định hình yêu cầu cụ thể như những ngành truyền thống. Bởi đơn vị nào cũng ứng dụng công nghệ số nhưng nó chưa thực sự hình thành ngành nghề rõ ràng”, PGS.TS Hùng nói.
Cũng chia sẻ về chương trình đào tạo, TS Nguyễn Đức Mận, Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế Đại học Duy Tân cho rằng, việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những yêu cầu mà trường đòi hỏi phải có trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp phải tham gia cùng các cơ sở đào tạo để thỏa mãn nhu cầu nhân lực và bám sát thị trường. Theo TS Mận, thực tế chương trình đào tạo trên ghế nhà trường chủ yếu ở mức nền tảng, trong khi bản thân từng doanh nghiệp lại cần một chuyên môn sâu.
Lợi ích từ chương trình hợp tác, ký kết
Theo ông Lê Hồng Lĩnh, Giám đốc FPT Software miền Trung cho rằng không riêng Đà Nẵng thiếu nhân lực công nghệ, mà đây là tình trạng chung ở miền Trung. Như tại FPT Software hiện có 5.000 nhân lực. Trong định hướng đến năm 2024 sẽ tăng trưởng 10.000 người. Nếu tính dự phòng cho cả những trường hợp nhảy việc thì trong hai năm tới đơn vị cần 8.000 nhân lực.
Để xứng tầm với đô thị hạt nhân của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng cần có những mô hình vượt trội, phù hợp với thời đại để giữ vai trò dẫn dắt các địa phương trong vùng.
Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, với những ưu đãi của thiên nhiên, TP Đà Nẵng vẫn xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không phải là duy nhất, cùng với đó là phát triển về công nghệ thông tin và công nghiệp. Nhưng, nếu chỉ nói tổng quát như vậy thì chưa thấy rõ hướng đi vì công nghiệp công nghệ cao có rất nhiều lĩnh vực và vô số sản phẩm. Vậy địa phương cần chọn một số lĩnh vực với sản phẩm tiềm năng để tập trung phát triển nguồn nhân lực này.
Đến nay, VKU đã hợp tác với hơn 200 đối tác trong và ngoài nước, ký kết hợp tác chính thức (MoU) với 3 trường Đại học, 13 đơn vị tập đoàn và doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, với những hợp tác này, VKU áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn, tăng cường ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật miễn phí từ các doanh nghiệp. Sinh viên ngay từ năm 1 và năm 2 đã tiếp cận chuyên ngành đào tạo, tham gia thực tập, thực tế và có thể làm dự án tại các doanh nghiệp. Sinh viên tham gia các sân chơi học thuật, tạo ra các sản phẩm thực tế như cuộc thi Best web design, Sáng tạo Robocar, Lập trình online, Sáng tạo Drone – Fly with VKU,…
“Khảo sát cho thấy, tỷ lệ sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường trong vòng 6 tháng có việc làm và đúng ngành đào tạo đạt tỷ lệ 85%, với mức lương trung bình đạt từ 8 – 15 triệu đồng/tháng tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số.
Năm 2021-2022, khóa sinh viên đầu tiên của VKU ở 3 ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật máy tính và Quản trị kinh doanh đã hoàn thành bảo vệ đồ án với 100% khóa luận tốt nghiệp hoàn toàn bằng tiếng Anh, được hội đồng bảo vệ là giảng viên, chuyên gia từ các doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực và phẩm chất”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho hay.
Còn theo PGS.TS Võ Trung Hùng, có nhiều dự án quốc tế điển hình như EMVITET hỗ trợ đào tạo một số giảng viên của trường về mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy, xây dựng môi trường học tập, hoạt động đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác doanh nghiệp của Phần Lan trong phát triển giáo dục thời kỷ nguyên số.
Đồng thời, với khoảng 30 doanh nghiệp ký kết chính thức, sinh viên ngành công nghệ thông tin từ năm 3, 4 đã có việc làm parttime từ nơi thực tập. Gần như sinh viên của ngành không cần tìm việc mà tự doanh nghiệp tìm đến tuyển dụng. Bởi vậy, có năm sinh viên ngành công nghệ thông tin có điểm đầu vào khoảng 25-26 điểm.
Đặc biệt, để đẩy mạnh việc vừa học vừa làm của sinh viên, khung chương trình đào tạo có nguyên một học kỳ gọi là “học kỳ doanh nghiệp” (có nghĩa là khoảng 3-4 tháng sẽ không học ở trường mà làm việc ở doanh nghiệp). Trách nhiệm của khoa là phải liên kết với doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ kiến thức cho sinh viên khi cần thiết. Hiện trường xúc tiến chương trình đào tạo ngành CNTT đặc thù với yêu cầu sinh viên phải học ở doanh nghiệp tối thiểu 30-50%.