Hình thành hệ sinh thái thanh toán số
Tại các quầy hàng chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa (quận Hải Châu), khi mua lỉnh kỉnh đồ đạc, người dân chỉ cần quét mã VietQR trên E-banking của ngân hàng mình sử dụng, nhập số tiền cần thanh toán và hoàn thành giao dịch mua bán. Bà Huỳnh Thị Kim Cương, quầy hàng bánh kẹo, thực phẩm khô (lô 4, chợ Cồn) cho biết, trước đây, mỗi ngày đi bán, bà phải mang theo nhiều tiền lẻ để thối lại cho khách. Chưa kể sau mỗi ngày bán, một vài tờ tiền giấy bị rách, khách thì không thích nhận lại tiền cũ, tiền rách nên hao hụt nhiều. Giờ đây, phương thức thanh toán này được du khách thường xuyên sử dụng, cứ 10 người thì có đến 7, 8 người quét mã.
“Việc quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money rất tiện, nhất là khi mua bán với khách du lịch, vì thường du khách rất ngại khi phải mang theo nhiều tiền đến nơi đông đúc như chợ”, bà Cương nói.
Thời điểm dịch bệnh, Sở Du lịch Đà Nẵng đã ra mắt ứng dụng VR360 mang thông điệp “Một chạm đến Đà Nẵng” tại địa chỉ vr360.danangfantasticity.com với nhiều tính năng ưu việt. Chỉ cần điện thoại, máy tính bảng, du khách có thể truy cập, quan sát và trải nghiệm được hình ảnh các điểm đến như danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills… Ứng dụng có sẵn 2 ngôn ngữ thuyết minh tự động bằng tiếng Việt và Anh, để giới thiệu từng điểm đến. VR360 còn hỗ trợ du khách tính năng chụp ảnh và săn quà may mắn… Đây được xem là giải pháp giữ lửa cho ngành du lịch và nuôi dưỡng cảm xúc, tình cảm của du khách đối với các điểm đến, sẵn sàng cho cơ hội trở lại.
Sự thay đổi hành vi khách hàng khiến ngân hàng rầm rộ chuyển đổi số. Theo ông Đào Minh Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Vietcombank, đến nay, 94% các ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi.
Để triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, ngoài việc tiếp tục phát triển các sản phẩm liên quan, nhiều ngân hàng hợp tác với các công ty fintech và kết nối với các hệ sinh thái số của các đơn vị thuộc các ngành, lĩnh vực khác (cung ứng hàng hóa, xe công nghệ,...), các công ty thương mại điện tử, các công ty viễn thông để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ một cách liền mạch được cá nhân hóa, góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đến năm 2025, 50% dân số tham gia mua sắm trực tuyến
PGS.TS Bùi Quang Bình, Giảng viên cao cấp, khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhìn nhận, đối với Đà Nẵng - thành phố trực thuộc trung ương, các nguồn tài nguyên không vượt trội, địa phương chỉ có thể thành hạt nhân, động lực của vùng, đất nước khi thực sự có sự đột phá về khoa học - công nghệ. Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo về khoa học – công nghệ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
“Dù là ngành nghề nào nếu chúng ta cung cấp những sản phẩm mang tính công nghệ, trí tuệ thì không chỉ đóng góp cho Đà Nẵng mà cũng là đóng góp cho các tỉnh miền Trung.”, PGS.TS Bùi Quang Bình cho hay.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, TP Đà Nẵng là một trong những đô thị tại Việt Nam có công nghệ thông tin phát triển. Đây là một yếu tố tiền đề để các hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển công nghệ thông tin, truyền thông và nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, tạo cơ hội cho việc nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đối với TP Đà Nẵng, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính...”; “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Trên cơ sở đó, TP Đà Nẵng đã ban hành các chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được xác định là một trong các dự án mang tính “động lực” cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử B2C chiếm ít nhất 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn.