TP Đà Nẵng đã triển khai các ứng dụng theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp với phương châm "hiện diện khi cần" và "hiệu chỉnh ngay khi góp ý" thông qua việc thay đổi khi có ý kiến, tổ chức kênh thường xuyên hướng dẫn, tư vấn về chuyển đổi số.
Đáp ứng nhu cầu của người dân
Thực tế, ngoài đưa dữ liệu số thay thế thành phần hồ sơ giấy, TP Đà Nẵng đã có nhiều sản phẩm ứng dụng, tiện ích trên môi trường số và sự tham gia, tương tác lớn từ người dân, du khách.
Tại Trung tâm y tế quận Hải Châu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), thay vì mang thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh và giấy tờ liên quan. Theo anh Nguyễn Thảo (trú tỉnh Quảng Nam), giờ đây, anh chỉ mang thẻ căn cước công dân gắn chip khi đi khám bệnh. Với căn cước công dân, anh đã có thể tiếp cận các dịch vụ y tế tại cơ sở mà không cần trình nhiều loại giấy tờ như trước kia.
Tại Bệnh viện 199 (quận Sơn Trà), đơn vị này đang triển khai 4 sản phẩm công nghệ AI gồm AlviCare, AlviCarexBV199, DrAid X-ray và DrAid Thalassemia. Người dân được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, nhất là với nhóm bệnh tim mạch, hô hấp, chấn thương chỉnh hình.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Đức, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch (Bệnh viện 199), trên cơ sở kết quả hình chụp phim phổi, các bác sĩ có thể đánh giá được trường phổi rất sớm. Điển hình, trên hình ảnh trí tuệ nhân tạo hiển thị có tổn thương thì sẽ tiếp tục tìm chi tiết cụ thể về sự tổn thương đó. Hoặc, trên cơ sở hình ảnh tim phổi, các bác sĩ cho phép thực hiện cận lâm sàng khác hỗ trợ cho bác sĩ điều trị tại bệnh phòng đối với bệnh lý tim mạch.
Đặc biệt, DrAid Thalassemia đã được tích hợp kết nối vào phần mềm hệ thống quản lý phòng xét nghiệm LIS (Laboratory Information System) của Bệnh viện 199. Với tỷ lệ 10% tương đương khoảng 12 triệu người Việt Nam mang gen Thalassemia (tan máu bẩm sinh), sản phẩm sẽ hỗ trợ bệnh viện quản lý hiệu quả các hoạt động xét nghiệm, đồng thời cung cấp thêm các dịch vụ khác như theo dõi tình hình hoạt động của phòng xét nghiệm từ xa, trả kết quả xét nghiệm qua mạng Internet, Web, SMS, Email, App...
Đảm bảo tính kịp thời
Tháng 8-2020, từ việc ứng dụng QR Code đi chợ, Sở TT-TT TP Đà Nẵng triển khai trong việc đi đường giải quyết bài toán là làm thế nào để cấp giấy đi đường nhanh, chính xác và hạn chế tập trung đông người trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.
Năm 2021, giấy đi đường từng bước được cải tiến theo thời điểm, không chỉ dừng lại ở việc dùng mẫu giấy đi đường in sẵn mà còn sử dụng giấy đi đường có mã QR trên điện thoại. Bên cạnh đó, Sở TT-TT Đà Nẵng tiếp tục hoàn chỉnh để ứng dụng có tính kế thừa (gia hạn nếu không thay đổi) và đảm bảo tính cập nhật khi có yêu cầu cấp mới, thay đổi từ cơ quan, đơn vị.
Với tình hình dịch bệnh căng thẳng lúc bấy giờ, việc cấp giấy trực tuyến thuận lợi rất nhiều so với trước nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao vai trò chủ động của đơn vị, cơ quan khi điều phối nhân lực ra đường.
Giai đoạn tiếp theo, giấy đi đường được mở rộng với nhiều đối tượng, lĩnh vực đòi hỏi cơ quan xét duyệt tiếp tục được nâng cấp với sự tham gia sở ban ngành, ban quản lý của TP Đà Nẵng.
Hơn 2 năm dịch Covid-19 ảnh hưởng, ứng dụng phần mềm Danang Smart City đã được nâng cấp. Hiện, người dân và du khách mắc Covid-19 sau khi khai báo, đăng ký qua ứng dụng sẽ được nhận kết quả trực tuyến trong khi cách ly, điều trị tại nhà/cơ sở du lịch.
Từ những thông tin được cập nhập, đến nay cơ sở y tế có thể theo dõi, giám sát từ xa và hỗ trợ kịp thời nếu họ có diễn tiến bất thường về sức khỏe. Ngoài ra, bổ sung phân hệ hỗ trợ cho người dân, du khách điều trị Covid-19 (F0) đăng ký, nhận giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trực tuyến.
Có thể nói, với từng thời điểm, các chính sách, chủ trương được ban hành sau một thời gian thực hiện đều phải có sự đánh giá, thu thập các ý kiến phản hồi, góp ý của tổ chức, cá nhân để xem xét điều chỉnh nhằm đạt được mục tiêu quản lý cao nhất, điển hình như giấy đi đường, ứng dụng phần mềm Danang Smart City…
Đề cập mức độ sẵn sàng, theo sở TT-TT TP Đà Nẵng, đến nay, mạng 3G, 4G phủ sóng 100%. Từ cuối năm 2021, bắt đầu triển khai dịch vụ mạng 5G. Đồng thời, 99,8% hộ gia đình có kết nối internet.
Toàn TP Đà Nẵng hiện có 2.150.000 tài khoản mạng xã hội; khoảng 200.000 tài khoản công dân điện tử. Người dân đã quen sử dụng app mobile, trong đó ứng dụng Danang smart city có 1,1 triệu lượt tải.
Để có được như vậy, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, địa phương thực hiện việc chuyển đổi số trên cơ sở ưu tiên sẵn sàng hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông trước, sau đó tập trung triển khai các ứng dụng nhằm tăng tính hiệu quả và thí điểm trước khi nhân rộng…
Không những thế, TP Đà Nẵng triển khai các ứng dụng theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp với phương châm "hiện diện khi cần" và "hiệu chỉnh ngay khi góp ý".
Hiện Tổng đài 1022 (Sở TT-TT TP Đà Nẵng) vẫn đang tiếp nhận các ý kiến của người dân về các thông tin chuyển đổi số và tư vấn nếu có thắc mắc. Định kỳ đơn vị khảo sát trực tuyến nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp, người dân để có những thay đổi, cập nhật kịp thời.