Từ trực tiếp sang trực tuyến
Là đơn vị tiên phong thực hiện áp dụng hình thức trực tuyến để tiếp cận công chúng tại TP Đà Nẵng, từ tháng 9-2020, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tạo điểm nhấn khi thực hiện triển lãm online với chủ đề “Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ”, “Trung thu của em”, “Ký họa chiến trường” và gần đây nhất “Vẻ đẹp người phụ nữ trong tác phẩm của Lê Công Thành”...
Với kinh nghiệm này, cuối tháng 5-2021, dịch bệnh bùng phát trở lại, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chuyển hướng từ triển lãm trực quan các tác phẩm tranh thiếu nhi “Đà Nẵng - Thành phố em yêu” sang triển lãm trực tuyến.
Theo họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, việc đầu tư cho triển lãm chủ yếu tập trung vào triển lãm trưng bày và mời công chúng đến tham quan trực tiếp tại điểm. Đến khi dịch bệnh bùng phát, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, các bảo tàng tạm dừng đón khách tham quan.
Để tiếp tục giữ sự kết nối công chúng, bảo tàng chuẩn bị kỹ lưỡng về đề tài, ý tưởng và hiện vật phù hợp. Sau đó, đăng tải nội dung, hình ảnh, clip triển lãm lên trang web của Bảo tàng và các mạng xã hội Youtube, Facebook,... Đồng thời cử cán bộ thường xuyên theo dõi, trả lời thắc mắc hoặc cung cấp thêm thông tin chi tiết cần thiết cho công chúng.
Tuy nhiên, do thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về công tác truyền thông, thiếu các trang thiết bị chuyên nghiệp như máy ảnh, máy quay, máy tính dựng... nên việc thực hiện còn gặp khó.
Cũng vượt khó trong dịch bệnh, Bảo tàng Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ thông tin Bản đồ di sản số bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại địa chỉ trang web bandodisandanang.vn, giới thiệu thông tin, hình ảnh về hệ thống di tích trên địa bàn, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn), một di tích liên tỉnh (Hải Vân quan), 12 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp TP Đà Nẵng.
Ông Trần Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - truyền thông (Bảo tàng Đà Nẵng) cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là xu thế tất yếu, qua đó góp phần quảng bá các điểm di tích trên địa bàn. Ứng dụng mới sẽ cung cấp nguồn dữ liệu phong phú, chính xác về hệ thống di tích cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá về lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng.
Chuyển đổi số - trải nghiệm đa chiều
Tại bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, khi truy cập địa chỉ trang web: http//scan3d.danangfantasticity.com, tất cả mọi thứ về không gian, màu sắc, hình ảnh đều được tái hiện chính xác 100% khi đưa lên môi trường thực tế ảo.
Không chỉ được nhìn ngắm các mẫu hiện vật, người xem còn được nghe thuyết minh tự động. Thông qua phần âm thanh liên kết, thông tin về nguồn gốc, xuất xứ... của các mẫu hiện vật được truyền tải rõ hơn. Bảo tàng ảo hiện có 14 hiện vật tiêu biểu được thuyết minh, như: đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Laskmindra Lokeshvara, đài thờ Đông Dương, tượng thần Vishnu…
Chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể hiện lên trước mắt những kho báu di sản, những cuộc triển lãm chuyên đề, có hình ảnh, âm thanh phụ trợ… Khoảng cách giữa các hiện vật trong bảo tàng với công chúng dần được thu hẹp.
Để nỗ lực đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa của người dân, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết, bước vào trạng thái bình thường mới, các bảo tàng chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình về quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt tập trung hướng đến khách nội địa; tăng cường tuyên truyền, quảng bá thông qua việc đăng tin, bài, thực hiện video giới thiệu các chuyên đề, không gian trưng bày một cách sinh động, gần gũi tạo sự tương tác, duy trì sự kết nối với công chúng trên trang web và các mạng xã hội.
Hiện ngành cũng đang xúc tiến xây dựng đề án chuyển đổi số với mục đích chủ động hơn trong các hoạt động, không bị lệ thuộc vào không gian, thời gian vật lý, dễ dàng giới thiệu cung cấp các dịch vụ văn hóa đến các đối tượng mục tiêu và tạo nên những tương tác đa chiều giúp khán giả trải nghiệm rõ hơn các giá trị văn hóa.