TP Đà Nẵng hiện có 35.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 90% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, TP Đà Nẵng nói chung và các đơn vị trong khu công nghệ cao nói riêng đã bắt đầu nhận thức và nắm bắt được sự cần thiết của chuyển đổi số: các hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai trên môi trường mạng, việc chuyển thông tin văn bản trao đổi giữa các sở ban ngành hay doanh nghiệp đã bước đầu ứng dụng các phần mềm để quản lý, vận hành kinh doanh. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong nhà máy còn có những khó khăn nhất định.
“Doanh nghiệp lớn có nhiều nguồn lực để chuyển đổi số, biến nhà máy truyền thống trở thành mô hình sản xuất thông minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ thì khá lúng túng, chưa biết bắt đầu như thế nào để vừa sử dụng chi phí hiệu quả nhưng vẫn đạt hiệu suất tốt nhất”, ông Tiến cho nói.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng trình bày tổng quát về chuyển đổi số ở địa phương. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Để có bộ máy quản lý mềm dẻo, vốn đầu tư không quá lớn và ít chịu tác động tức thời từ biến động của thị trường, các doanh nghiệp cần thành lập tổ công nghệ số.
Hội nghị phổ biến đến các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp về tính cấp thiết chuyển đổi số trong hoạt động quản lý doanh nghiệp và sản xuất; nắm bắt các khó khăn vướng mắc, đề xuất chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tạo hệ sinh thái, kết nối cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả trong quản lý và sản xuất của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với cuộc CMCN 4.0, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của TP Đà Nẵng.