Mô hình công tư kết hợp đầu tiên
“Việc quyết định chọn mô hình vườn ươm hợp tác công tư là một quyết định táo bạo và sáng tạo. Trong lĩnh vực khởi nghiệp, hiện tại chưa có một doanh nghiệp nào chọn mô hình này.” - Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch DNES Đà Nẵng chia sẻ.
Mô hình là sáng kiến của ông Võ Duy Khương. Ông là người trực tiếp vận động và thuyết phục các doanh nhân, nhà đầu tư cùng góp vốn với Quỹ đầu tư phát triển để thành lập DNES. Có thể nói, vườn ươm là một công ty kết hợp kinh hoạt giữa hỗ trợ nhà nước và tư nhân, trong đó, nguồn vốn của nhà nước chiếm 2/3 nguồn vốn của vườn ươm.
Ngoài việc hỗ trợ vốn, nhà nước giúp DNES kết nối với đơn vị liên quan như miễn phí thủ tục hành chính đăng kí sở hữu trí tuệ, cách thức viết đề án khoa học,... Vì, theo ông Lưu Duy Trân, Trưởng phòng tổng hợp DNES, đa số doanh nghiệp không rành về các thủ tục hành chính.
Tùy theo lĩnh vực và đối tượng mà quy trình và thời gian ươm tạo có thể khác nhau, đa phần các bạn khởi nghiệp được đào tạo trong 6 tháng với 3 hoạt động chính: ươm tạo, kết nối và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đầu tư.
Một trong thách thức của vườn ươm chính là hoạt động đầu tư, bởi đầu tư vào khởi nghiệp thường là đầu tư mạo hiểm, mà hoạt động của vườn ươm có 2/3 là của nhà nước nên luôn cần bảo tồn vốn.
Đà Nẵng - Tiềm năng khởi nghiệp
3 năm qua, DNES Đà Nẵng đã đào tạo 8 khóa với hơn 50 dự án khởi nghiệp. Trong đó, một nửa dự án đã thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sau 6 tháng ươm tạo. Đến thời điểm này, khoảng 10 công ty đang phát triển mạnh như Hekate, Zody, Minh Hồng,... “Những dự án thành công thường ở những khóa đầu tiên, vì các bạn đã trải qua thời gian dài chạy đà 3 năm và có những kinh nghiệm, kỹ năng để phát triển ổn định.” - Ông Lưu Duy Trân cho biết.
Có nhiều tác nhân khác nhau dẫn đến sự phát triển và khởi sắc bước đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng nhưng điều mang tính quyết định chính là những yếu tố xây dựng nguồn lực nội tại của thành phố này. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương duy nhất thành lập và duy trì hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố - la bàn định hướng mang tầm nhìn chiến lược, chất keo dính kết nối toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố.
Đồng thời, Đà Nẵng có lợi thế vốn có được tự nhiên ưu đãi, môi trường sống, chất lượng và hình ảnh một chính quyền địa phương cởi mở tạo sức hấp dẫn đối với cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Qua đó, Đà Nẵng thu hút sự quan tâm, hỗ trợ và kết nối quan trọng của các tổ chức uy tín từ Phần Lan, Israel,...
Các dự án tập trung nhiều chất xám và sử dụng ít tài nguyên vật chất. Có thể nói, trong thời đại công nghệ 4.0, Đà Nẵng là nơi có những lợi thế điển hình để các bạn trẻ thực hiện dự án, đặc biệt là những dự án thiên về trí tuệ. Để thực hiện dự án thành công, những người thực hiện cần có quá trình đào tạo, kinh nghiệm, sức sáng tạo bền bỉ.
Một trong những dự án nổi bật của DNES là Hekate, thành lập vào năm 2015 và tham gia chương trình ươm tạo khóa 2 của vườn ươm. Đây là một trong những startup tiên phong về công nghệ chatbot tại Việt Nam. Trong quá trình phát triển, TP Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hekate khởi tạo các chatbot chuyên biệt nhằm phục vụ các sự kiện quan trọng của địa phương và quốc gia như hội nghị và triển lãm khởi nghiệp, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng tại Apec 2017,...
Lớn mạnh cho bản thân, đồng hành cùng địa phương, sự phát triển mạnh mẽ của các dự án góp phần không nhỏ đến sự phát triển chung của thành phố, tạo nên một hình ảnh thành phố với định hướng trở thành một trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển.