Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Dr SME, một điểm thuận lợi quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm để chuyển đổi. Đó là hiện các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, IoT... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai.
Tất cả những ''thiên thời'' thuận lợi nói trên trong thời đại 4.0 đã sẵn sàng giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể đảo ngược tình thế. Luật chơi trong tương lai sẽ là ''cá nhanh nuốt cá chậm'' chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp “cá mập” nhưng nếu không chịu chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, dần teo tóp, nhường lại sân chơi cho lớp “đàn em” sinh sau đẻ muộn nhưng lại nhận dạng nhanh các quy luật cuộc chơi và từ đó thích nghi nhanh hơn với xã hội 4.0.
“Nếu dũng cảm bước lên hành trình chuyển đổi số, thì đây sẽ là đòn bẩy rất tốt để doanh nghiệp địa phương có thể tận dụng sức mạnh đặc thù, tri thức bản địa và các điều kiện riêng biệt của địa phương mình, để vươn lên phát triển xâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ tại cấp độ quốc gia và toàn cầu, khẳng định nội lực mạnh mẽ”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Ngô Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Softech Corporation, chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp cho rằng, yếu tố quyết định giải pháp chuyển đổi số thành công là quá trình “phiên dịch” nhu cầu kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp sang các nhu cầu về công nghệ. Trọng tâm chuyển đổi số trong doanh nghiệp là phát triển các phần mềm ứng dụng để giải quyết các bài toán kinh doanh hoặc vận hành doanh nghiệp hiệu quả, nhanh, chính xác hơn.
Trong đó, doanh nghiệp nên lưu ý một số điểm để có thể chuyển đổi số thành công. Đó là doanh nghiệp cần biết rõ mình muốn gì, cần giải quyết vấn đề gì; đồng thời, phải nắm bắt được nhu cầu, thói quen của khách hàng. Doanh nghiệp cũng cần làm rõ tình hình hiện tại trong đơn vị mình, ví dụ như dữ liệu đầu vào còn thiếu gì để thỏa mãn dữ liệu đầu ra.
Đặc biệt, trước khi áp dụng các phần mềm ứng dụng thì phần quy trình nghiệp vụ cần phải chuẩn hóa, có cấu trúc thông tin rõ ràng, logic. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng lộ trình rõ ràng trong quá trình phát triển, triển khai và vận hành, sau đó mới tiến hành đến bước phân tích kỹ thuật để thi công phần mềm.
Toàn bộ quá trình trên đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ cần những lực lượng bên trong mà có thể còn cần các chuyên gia tư vấn bên ngoài, từ đó đặt “đề bài” cho các đơn vị phần mềm thiết kế cho đúng yêu cầu mong đợi.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn cũng là một động lực chuyển đổi số quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số của Đà Nẵng. Với tỷ lệ 2,5 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 người dân, Đà Nẵng hiện là địa phương có lực lượng doanh nghiệp công nghệ lớn bậc nhất cả nước.
Bên cạnh những yếu tố nền tảng tích cực, theo ông Nguyễn Quang Thanh, tiến trình chuyển đổi số của Đà Nẵng cũng đang có nhiều thách thức. Tuy tỷ lệ doanh nghiệp số trên dân số của Đà Nẵng rất cao nhưng chiếm chủ yếu trong số này lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với nguồn lực hạn chế và chủ yếu làm gia công.
“Trong quá trình chuyển đổi số, chính quyền không thể làm tất cả các khâu, do đó, chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp chung tay nghiên cứu các nền tảng, xây dựng các sản phẩm phục vụ cho chính thành phố. Điển hình như hiện nay, Đà Nẵng đang có nhu cầu bức thiết cho việc bảo đảm an toàn dữ liệu cho hệ thống văn bản quản lý điều hành, rất cần các doanh nghiệp CNTT cùng nghiên cứu”, ông Thanh kêu gọi.
Liên quan đến tiến trình chuyển đổi số, GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung vào kinh tế số để tạo nên sự khác biệt cho Đà Nẵng. Đồng thời, mở rộng khái niệm kinh tế số không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử, công nghệ thông tin,… mà phải hiểu tất cả liên quan đến sản phẩm thông minh.
“Cần đặt vai trò của ngành kinh tế số trong bối cảnh mới và cần chuẩn hoá cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, phát triển trung tâm nghiên cứu thiết bị thông minh, thành lập các đơn vị đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, công nghệ số nhằm phục vụ hoạt động chuyển đổi số. Thậm chí nếu cần thì đề xuất thành lập Sở Kinh tế số để quản lý, thực hiện các hoạt động kinh tế trong bối cảnh số hoá”, Nguyên Thứ trưởng Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga hiến kế.