Theo báo cáo của Cục thống kê Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 96,39% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm 3,61% kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước đạt 51.072 tỷ đồng, giảm 917,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhưng bị ảnh hưởng sớm nhất và nhiều nhất nên hầu hết các ngành đều tăng trưởng âm. Quy mô giá trị tăng thêm của cả khu vực thu hẹp hơn 758 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
Trong đó, hoạt động thông tin và truyền thông là một trong số ít các ngành duy trì được tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ. Ước tính 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu toàn ngành đạt 6.769 tỷ đồng, tăng 4,7%. Doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 5.022 tỷ đồng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước giảm 8,07%, nhưng vốn thực hiện thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 5.190 tỷ đồng, tăng hơn 86% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng thu hút được hơn 135 triệu vốn FDI, giảm 75,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tiếp tục xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có chính sách tín dụng thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid–19; duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất suy giảm tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ; có các cảnh báo về thiên tai, rủi ro, thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, đứng trước bức tranh kinh tế u ám do Covid–19, Cục Thống kê cùng các đơn vị liên quan đã xây dựng 3 kịch bản cho kinh tế Đà Nẵng 6 tháng cuối năm 2020 và sẽ trình HĐND thành phố Đà Nẵng thảo luận, thông qua kịch bản chính thức vào kỳ họp tuần tới.
“Các kịch bản được đưa ra dựa trên 5 trụ cột chính, trong đó quan trọng nhất là lấy hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm trọng tâm. Mặc dù vậy, việc phục hồi kinh tế vẫn phụ thuộc vào thời gian, công tác chống phòng chống dịch Covid-19 của các quốc gia khác”, ông Vũ cho hay.