Tính từ ngày 10-7 đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận 1.417 ca mắc Covid-19. Hiện Đà Nẵng có 51/56 phường, xã đã ghi nhận ca mắc Covid-19. Ngày 10-8, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho 51.546 trường hợp; 22 bệnh nhân được ra viện, đang điều trị 1.021 bệnh nhân; thực hiện cách ly, giám sát 2.482 trường hợp F1 và 4.512 trường hợp F2.
Từ ngày 10-7 đến ngày 9-8, Đà Nẵng đã triển khai xét nghiệm bằng phương pháp PCR cho trên 720.000 lượt người, phát hiện 1.343 trường hợp mắc Covid-19, chiếm 1,8% (đây là tỷ lệ khá cao).
Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) nhận định, 1 tháng qua, TP Đà Nẵng ghi nhận ca mắc Covid-19 tương đối lớn, công tác xét nghiệm triển khai trên quy mô rộng, với tần suất thường xuyên và liên tục.
Tuy vậy, kết quả xét nghiệm vẫn chưa đủ để đánh giá tình hình dịch trên địa bàn do có một số tồn tại như: các xã, phường chưa thực hiện việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh (đây là cơ sở để triển khai công tác xét nghiệm phù hợp); việc truy vết F1 có nhiều yếu tố chưa triệt để, các F0 chưa khai báo trung thực lịch trình dẫn đến để sót F1, số người về người từ vùng dịch khai báo không đúng để trốn cách ly.
Một số trường hợp bị sốt không tự giác khai báo và đến xét nghiệm cơ sở y tế gần nhất; việc tổ chức xét nghiệm đại diện hộ gia đình trong thời gian ngắn, nên các địa phương chưa xác định đúng đối tượng vì vậy kết quả đại diện hộ gia đình không đem lại hiệu quả cao; công tác lấy mẫu và khoanh vùng khu vực điểm nóng khi mới phát hiện ca bệnh còn hẹp…
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đánh giá, đã 10 ngày thực hiện theo Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND TP Đà Nẵng nhưng tình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới có giảm nhưng không đáng kể.
Vì vậy, ông Hồ Kỳ Minh đề nghị, các đơn vị, địa phương phải tích cực triển khai mạnh mẽ các biện pháp. Đồng thời, thành lập các tổ chuyên gia phản ứng nhanh, đánh giá tình hình từng khu vực để triển khai biện pháp phù hợp. Khu công nghiệp và khu Công nghệ cao thực hiện nghiêm túc công tác xét nghiệm; Sở Công thương cung cấp số liệu tiểu thương và số lượng người dân đi chợ trong ngày để thuận lợi trong việc tổ chức xét nghiệm…
Về vấn đề cung ứng thực phẩm tại quận Sơn Trà, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, trong ngày 10-8, quận đã chuyển 51 tấn hàng hóa đến các phường trong khu vực phong tỏa để phân phối cho người dân, đến nay có 21 đơn vị cung ứng hàng hóa. So với những ngày trước, tổng đơn hàng đặt nằm trong tầm kiểm soát, việc cung ứng hàng hóa được tổ chức kịp thời hơn. Tuy nhiên, vẫn có những đơn hàng không thể cung ứng được. Hiện quận Sơn Trà đã thống nhất tổ chức các chợ tạm, chợ lưu động tại địa điểm phong tỏa để tăng thêm lượng cung ứng hàng hóa cho người dân. Trước mắt, quận sẽ triển khai chợ lưu động tại phường Phước Mỹ.
Tại điểm nóng Sơn Trà, hiện đang xuất hiện tình trạng ngoài chặt nhưng trong lỏng, người dân trong khu dân cư vẫn còn qua lại, giao lưu, nói chuyện.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương, nhất là quận Sơn Trà huy động cán bộ, công chức các cơ quan, ban ngành, đoàn thể 50% làm việc tại cơ quan, 50% tham gia phòng, chống dịch tại địa phương; huy động tối đa lực lượng cơ sở tham gia phòng, chống dịch và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong vùng cách ly
Ngày 11-8, UBND quận Sơn Trà Chủ tịch UBND quận Sơn Trà đề nghị UBND các phường thành lập Tổ y tế cộng đồng nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe người dân trong các vùng cách ly y tế trên địa bàn Theo đó, khuyến khích các Tổ dân phố thành lập các Tổ y tế cộng đồng tại địa phương; vận động các lực lượng y, bác sỹ, nhân viên y tế hiện nay không đi làm được để thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, thăm khám, kiểm tra sức khỏe người dân trong khu dân cư, phối hợp Trung tâm Y tế quận trong việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Đối với các tổ dân phố không có lực lượng y tế trên thì chỉ đạo trạm y tế thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe nhân dân. |