Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định du lịch là một trong 3 trụ cột chính phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng; trong đó, phát triển du lịch về đêm là một trong những định hướng phát triển du lịch của TP Đà Nẵng đến năm 2030. Dù TP Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm, nhưng hiện vẫn loay hoay tìm hướng phát triển.
Theo định hướng phát triển du lịch của TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trước mắt, Đà Nẵng sẽ tổ chức phố đêm 24/7 tại quận Ngũ Hành Sơn với các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật ở khu vực bãi biển... và đưa vào hoạt động phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng.
Bên cạnh đó, chọn lọc tài nguyên văn hóa, lịch sử có tiềm năng du lịch tại các địa phương để kêu gọi xã hội hóa đầu tư dịch vụ hình thành điểm đến mới. Ngoài ra, cho phép tàu du lịch thủy nội địa kéo dài thời gian hoạt động về đêm đến 24 giờ mỗi ngày.
TP Đà Nẵng cũng khuyến khích các trung tâm mua sắm lớn, cụm dịch vụ tại khu vực ven sông phía Đông đường Hai Tháng Chín, các tuyến Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, phố du lịch An Thượng, tuyến biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa kéo dài thời gian mở cửa phục vụ khách đến 24 giờ... Tuy nhiên, đến nay các hoạt động về đêm vẫn chưa thu hút du khách.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết sở dĩ các hoạt động về đêm chưa thu hút được nhiều du khách là bởi một số dịch vụ ẩm thực, mua sắm… có quy mô nhỏ, nằm rải rác trong các khu dân cư.
Trong khi Đà Nẵng chưa có quỹ đất để xây dựng trung tâm vui chơi giải trí quy mô lớn, tách biệt các khu dân cư; nhiều quán bar, pub… dịch vụ có âm thanh hiện chỉ hoạt động đến 24 giờ theo quy định nên hạn chế hoạt động trải nghiệm về đêm cho du khách; chưa có cơ chế khuyến khích hoạt động kinh tế đêm, du lịch bị ảnh hưởng bởi thời tiết...
Vì vậy, ngành du lịch Đà Nẵng đề xuất nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch về đêm với 3 nhóm sản phẩm chính: vui chơi giải trí, ẩm thực và mua sắm theo từng nhóm đối tượng, cùng với cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia khai thác.
Để xây dựng cơ chế, theo PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, Đà Nẵng cần điều tra liên tục hàng năm với vấn đề chi tiêu trung bình của du khách, thống kê cụ thể tại các cơ sở lưu trú ban đêm... Từ đó, tìm ra nguyên nhân cho những thay đổi của số liệu thống kê và cơ cấu lại thị trường, sản phẩm sao cho phù hợp với chức năng của ngành mũi nhọn.
Theo giới nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, kinh tế đêm là “mỏ vàng”, nhưng nếu khai thác không hợp lý, chạy theo trào lưu thì việc phát triển sẽ có tác động ngược với đặc tính văn hóa, tập tục của một khu vực, quốc gia. Vì vậy, trước khi triển khai các hoạt động kinh tế đêm, cần điều tra một cách khoa học về nhu cầu của du khách và người dân địa phương với những dịch vụ sau 12 giờ đêm.
Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách TP Đà Nẵng, cho rằng: “Du lịch đêm cần phải đưa vào quy hoạch chung của thành phố để có khu vực tương đối độc lập, ít ảnh hưởng đến cộng đồng thì mới có thể phát triển”.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhìn nhận nhiều hoạt động du lịch về đêm ở Đà Nẵng có tiến hành nhưng còn manh mún. Đà Nẵng chưa xác định rõ các sản phẩm du lịch đêm để khách du lịch có thể mang theo và tạo ấn tượng với họ khi đến đây.
Để kinh tế đêm mang lại hiệu quả bền vững, ngành du lịch TP Đà Nẵng cần thiết phải nghiên cứu một cách khoa học, bài bản để khi triển khai không vấp phải những xung đột giữa các hoạt động kinh tế đêm và cộng đồng dân cư.