Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, so với năm 2015, tổng khách tham quan, du lịch đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn năm 2019 ước đạt hơn 11,3 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần; tổng cơ sở lưu trú du lịch hơn 940 cơ sở, tăng hơn 1,9 lần. Dự báo, đến năm 2025 tổng khách lưu trú tăng 12%-13,5%/năm, đến năm 2030 con số này ước tăng 10%-12%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu dịch vụ lưu trú dự báo tăng 14%/năm.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thông tin ngành du lịch được Đà Nẵng xác định là một trong 3 trụ cột chính để phát triển thành phố. Những năm qua, du khách ngày càng đa dạng, tổng doanh thu tăng đáng kể, đóng góp vào GDP thành phố. Tuy nhiên, hoạt động du lịch phải đối mặt với những khó khăn nhất định về hạ tầng, sản phẩm mới, cơ chế chính sách, vấn đề ảnh hưởng như môi trường, giao thông... Vì vậy, theo ông Lê Trung Chinh, Đà Nẵng cần có những giải pháp căn cơ, làm sao để phát triển du lịch một cách bền vững. Bên cạnh đó, cần phối hợp hiệu quả với công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, hiệp hội du lịch.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, phân tích phát triển bền vững không chỉ về vấn đề môi trường mà còn nhiều yếu tố khác, như là sự tham gia của cộng đồng, khai thác hợp lý các giá trị tự nhiên... Ông Phạm Trung Lương đề nghị, định hướng cần bổ sung bối cảnh phát triển của TP Đà Nẵng trong tương lai, như tác động của cách mạng công nghệ 4.0, phát triển thành phố xanh.
Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng cần chỉ rõ những điểm thuận lợi trong việc phát triển du lịch thời gian qua, vì đây sẽ là nền tảng để phát triển du lịch trong thời gian đến. Chú trọng phát triển du lịch chuyển từ lượng sang chất; các sản phẩm du lịch, dịch vụ, nguồn nhân lực, đặc biệt là thị trường khách, cần được nâng cấp để tương xứng với việc phát triển.