Kịp thời, hiệu quả
Đã ngoài 75 tuổi, bà Trương Thị Tư (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng lửa bốc cháy dữ dội từ phòng bếp ngày 8-4 vừa qua. Do bất cẩn, bà Tư đã quên tắt bếp gas dẫn đến cháy và lan rộng cả khu bếp. Lúc hoảng loạn, bà đã nhấn chuông báo cháy từ hệ thống “Liên gia Phòng cháy chữa cháy (PCCC)”.
Nhận được báo động, người dân xung quanh nhanh chóng có mặt, hỗ trợ dập lửa. Từ phụ nữ đến thanh niên, người thì hỗ trợ sơ cứu, đưa bà Tư và chị gái bà Tư (80 tuổi) ra khỏi đám cháy. Những người còn lại tập trung chữa cháy. Một lúc sau, đám cháy được dập tắt.
Lực lượng tại khu dân cư là yếu tố quan trọng trong tổ liên gia PCCC |
Theo chị Khổng Thị Bích Ngọc, Tổ trưởng tổ 20, phường Thanh Khê Đông, lực lượng tại chỗ rất quan trọng vì đây là những người dập tắt lửa, nếu mà chờ lực lượng PCCC thì ngọn lửa sẽ bùng lớn, gây hậu quả nặng nề. Những kỹ năng này đã được các thành viên trong tổ “Liên gia PCCC” tập huấn thành thạo trước đó.
“Thật may mắn, sáng 8-4, phường Thanh Khê Đông ra mắt mô hình, người dân được tập huấn đến tối 8-4 thì xảy ra cháy, chúng tôi áp dụng ngay”, chị Ngọc nói.
Thiếu úy Nguyễn Tấn Dũng, Công an phường Thanh Khê Đông cho biết, hiệu quả rõ nét nhất của mô hình chính là vận động người dân có mặt kịp thời. Thời điểm vàng của việc chữa cháy là thời điểm ban đầu. Bà con đã nắm bắt thời điểm, huy động tối đa lực lượng tại chỗ và sử dụng các phương tiện dập tắt đúng cách.
Lực lượng PCCC tham quan mô hình Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư |
Không chỉ riêng phường Thanh Khê Đông mà phường An Khê (quận Thanh Khê), “Tổ liên gia” cũng phối hợp dập tắt vụ cháy tương tự.
Theo Thiếu tá Đỗ Minh Thông, Phó trưởng Công an phường An Khê, quá trình chữa cháy tại quán cơm 79 (đường Huỳnh Ngọc Huệ, phường An Khê) có tất cả thành viên tổ liên gia. Họ mang 6 bình chữa cháy và sử dụng được tất cả, dập tắt đám cháy chưa đầy 3 phút. Sau vụ cháy, thấy được mô hình này ý nghĩa, vì vậy, công an phường khá thuận lợi trong công tác vận động người dân.
Phấn đấu các mục tiêu trước ngày 30-6
Khi vụ cháy được dập tắt, một tín hiệu tích cực từ các quận, huyện TP Đà Nẵng là ngày càng nhiều người dân tự nguyện tham gia, xây dựng “Tổ liên gia” một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Lâm Vũ, Phó trưởng Công an phường Thanh Khê Đông, lực lượng đã lập được 24 điểm chữa cháy, dự kiến sẽ thành lập thêm 5 tổ nữa. Đến nay, công an phường đã tuyên truyền được 8/16 khu dân cư. Dự kiến lực lượng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền 8 khu dân còn lại và vận động mỗi hộ phải được trang bị bình chữa cháy xách tay.
Công an hướng dẫn người dân thực hiện mô hình Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy |
Sau một tháng cao điểm, theo Công an TP Đà Nẵng, các địa phương xây dựng, nhân rộng 146 Tổ liên gia an toàn PCCC, 1015 mô hình điểm chữa cháy công cộng; Tổ chức 531 buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC kết hợp với phương án chữa cháy với 110.073 người dân là đại diện hộ gia đình.
Đồng thời, công an rà soát, vận động 162.232 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay; vận động 202.235 hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2; kiểm tra, hướng dẫn đối với 110.486 hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Dịp này, Công an TP Đà Nẵng tặng Giấy khen cho 5 tập thể, 11 cá nhân, “thưởng nóng” 2 triệu đồng cho Công an quận Hải Châu, Công an quận Thanh Khê vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm |
Một số đơn vị chủ động nghiên cứu, áp dụng các biện pháp linh hoạt như công an phường Tân Chính chủ động khảo sát giá, tự mua sắm các vật tư, trang thiết bị; sử dụng lực lượng khu dân cư hỗ trợ việc thi công, lắp đặt mô hình nhằm giảm tối đa kinh phí.
Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng, hiện công an 56 phường, xã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở “Tổ liên gia”, vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí lối thoát nạn thứ 2, tập huấn kỹ năng PCCC.
Toàn Công an TP Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu này trước ngày 30-6.