Đà Nẵng: Tiếp nhận nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa

Chiều nay, 3-7, UBND huyện Hoàng Sa, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở VH-TT, Sở Ngoại vụ và Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp tổ chức Lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Đà Nẵng: Tiếp nhận nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa

 (SGGPO).- Chiều nay, 3-7, UBND huyện Hoàng Sa, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở VH-TT, Sở Ngoại vụ và Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp tổ chức Lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Đà Nẵng: Tiếp nhận nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa ảnh 1

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (bìa trái) trao phụ bản Atlas Von China (Tập bản đồ Trung Quốc) do nhà xuất bản Verlag von Dietrich Riemer xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1885, hiện đang lưu trữ tại kho sách hiếm của Thư viện Harvard - Yenching (Hoa Kỳ)


 Theo đó, UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến tặng các loại hình tư liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; các kỷ vật của các nhân chứng và thân nhân nhân chứng từng sống trên quần đảo Hoàng Sa; các văn bản, thư tịch của Nhà nước Việt Nam và các quốc gia khác thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; những hình ảnh, hiện vật khác thể hiện hoạt động của người dân Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam...

 Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho biết, từ nhiều năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức người Việt Nam trong và ngoài nước đã tự nguyện hiến tặng cho UBND huyện Hoàng Sa nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm. Tiêu biểu như anh Trần Thắng đang định cư ở Hoa Kỳ đã gửi tặng cho UBND huyện Hoàng Sa bộ sưu tập gồm 150 bản đồ cổ, trong đó có những bản đồ Hoàng Sa do các nước phương Tây và Việt Nam vẽ từ năm 1618 đến 1859, cho thấy vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có những bản đồ các nước phương Tây vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980, cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Ngoài ra, hai sách bản đồ Atlas, một cuốn do Nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh năm 1933, cuốn còn lại do Phái bộ truyền giáo Trung Quốc phát hành tại Anh năm 1908 cũng chỉ rõ lãnh thổ Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam.

Vợ và con trai của tử sĩ Nguyễn Thành Trọng tặng tư liệu, kỷ vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa

Đặc biệt, các nhân chứng  từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 cũng đã trao tặng nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý chứng tỏ người Việt Nam đã thật sự thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trước khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Tất cả những tư liệu, hiện vật ấy đều đang được chính quyền TP Đà Nẵng bảo quản vô cùng cẩn mật và sẽ được trưng bày một cách trang trọng tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa trong thời gian tới. 

 Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) cho biết, nhà trưng bày Hoàng Sa là công trình mang ý nghĩa lịch sử, chính trị đặc biệt; là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền  của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Không những vậy, đây còn là nơi minh chứng về sự thật trong cuộc đấu tranh bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

 Tại buổi lễ phát động, Ban Tổ chức tiếp nhận phim tài liệu "Nhớ đảo" của NSƯT Huỳnh Hùng và Trí Trung, bộ phim nói về các vị nhân chứng đã từng làm việc, chiến đấu, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19-1-1974; tiếp nhận phụ bản Atlas Von China (Tập bản đồ Trung Quốc) do nhà xuất bản Verlag von Dietrich Riemer xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1885, hiện đang lưu trữ tại kho sách hiếm của Thư viện Harvard - Yenching (Hoa Kỳ) vừa được Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn sưu tầm; tiếp nhận bản đồ xã Hoà Long, quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thể hiện quần đảo Hoàng Sa thuộc quận Hoà Vang trước đây, do Ban Tuyên giáo Thành uỷ trao tặng; Tiếp nhận từ Công ty Sông Thu tặng mô hình tàu Cảnh sát biển.

 Đặc biệt, trong buổi lễ, Ban tổ chức tiếp nhận 10 tư liệu, kỷ vật của Trung sĩ trọng pháo Nguyễn Thành Trọng - người đã tử trận trên hộ tống hạm Nhật tảo HQ10 trong trận hải chiến với Trung Quốc vào ngày 19-1-1974, từ tay vợ và con trai của Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng là bà Nguyễn Thị Lựa và anh Nguyễn Hoàng Sa. Trong số tư liệu, kỷ vật mà vợ và con trai Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng hiến tặng có giấy báo tử, trích lục khai tử do Bộ tư lệnh Hải quân - Quân lực Việt Nam Cộng Hoà phát hành ghi rõ: "Địa điểm, ngày tháng năm và duyên cớ sự chết: Hy sinh vì Tổ quốc ngày 19-1-1974 tại quần đảo Hoàng Sa trong trận hải chiến với chiến hạm Trung Cộng để bảo vệ lãnh hải Việt Nam Cộng Hoà".
 
Đợt vận động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa kéo dài từ ngày 3-7-2016 đến hết ngày 31-12-2016. Ngày 19-1-2017, đúng vào ngày 43 năm trước Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa, Ban tổ chức sẽ làm lễ tổng kết và đánh giá kết quả.

 Các tổ chức, cá nhân có tư liệu, hiện vật hiến tặng xin liên hệ UBND huyện Hoàng Sa qua số điện thoại 05113.822291 hoặc 0905323445 gặp ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa hoặc qua email hoangsa@danang.gov.vn để được hướng dẫn, hỗ trợ và tiếp đón.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục