Ngày 11-10, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế đối với một số dự án nghỉ dưỡng ven biển để ghi nhận và chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp hiện đang đối mặt.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp ven biển đã đồng loạt gửi đơn kêu cứu UBND TP Đà Nẵng về việc giá thuê đất tăng sốc từ 360-400% khiến họ lâm vào cảnh điêu đứng, nguy cơ đóng cửa.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc Đà Nẵng tăng tiền thuê đất là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, mức tăng cao đột biến trong những năm gần đây là bất hợp lý và tồn tại nhiều bất cập.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh kiểm tra thực tế tại Khu căn hộ khách sạn Ariyana Beach Resort & Suites Đà Nẵng |
Ông Lê Minh Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai cho rằng, tiền thuê đất đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp du lịch ven biển.
Cụ thể, tiền thuê đất khi bàn giao dự án Khu căn hộ khách sạn Ariyana Beach Resort & Suites Đà Nẵng (thuộc Công ty CP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn) vào năm 2007 là 2,4 tỷ 1 năm. Đến năm 2008 thì tăng lên 4,7 tỷ, 2017 tăng 35 tỷ và năm 2022 tăng lên 121 tỷ. Tức ở 2 chu kỳ gần nhất, chỉ trong 6 năm, tiền thuê đất đã tăng gấp 26 lần.
Hơn nữa, bất cập là việc tiền thuê đất áp trên tổng thể diện tích dự án, trong khi với yêu cầu resort cao cấp, tỷ lệ xây dựng có mật độ khai thác dịch vụ rất thấp, chỉ chiếm 18 đến 25% trên tổng diện tích dự án.
Dự án Khu căn hộ khách sạn Ariyana Beach Resort & Suites Đà Nẵng đang phải chịu áp lực lớn từ giá thuê đất |
Theo ông Kha, việc tiền thuê đất tăng quá cao đã chạm đến ngưỡng doanh nghiệp không thể chịu đựng được, và nếu áp dụng mức giá thuê đất hiện tại thì doanh thu chỉ đủ để trả tiền thuê đất.
“Chúng tôi đã bị cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản, tiền để nộp thuế hầu hết từ cổ đông và vay mượn, trong khi vay ngân hàng giờ khó khăn vì lãi suất cao”, ông Kha chia sẻ.
Tương tự, Ông Nguyễn Mạnh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non nước cho biết, doanh nghiệp ghi nhận thành phố có áp dụng tất cả các hệ số điều chỉnh để tiền thuê đất xuống thấp nhưng cuối cùng tiền thuê đất vẫn tăng 400 đến 500% sau mỗi thời kỳ.
Hiện tại, Melia Đà Nẵng Resort (dự án thuộc Công ty TNHH Sao Việt Non nước) phải nộp 28 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, việc áp giá thuê bằng 70% giá đất thương mại dịch vụ đối với các phần đất còn lại thuộc công năng cảnh quan là điều bất hợp lý.
“Từ trước dịch Covid-19, doanh nghiệp đã kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. TP Đà Nẵng cần phải định lại giá đất để cứu doanh nghiệp trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt”, ông Trung nhấn mạnh.
Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp năm 2023 diễn ra chiều ngày 11-10, ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho biết bảng giá đất bình ổn 5 năm/lần.
Theo ông Hùng, Đà Nẵng đã rất nỗ lực để giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Cụ thể, tỷ lệ giá thuê đất thương mại dịch vụ so với đất ở năm 2019 bằng 85% nhưng năm 2022 đã giảm xuống 70%.
Ngoài ra, Đà Nẵng đã điều chỉnh hệ số giá đất năm 2022 so với năm 2019 giảm 10%.
TP Đà Nẵng đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp chiều ngày 11-10 |
Cũng theo ông Hùng, Đà Nẵng sẽ điều chỉnh lại giá đất đối với các trường hợp giá đất thị trường giảm hoặc tăng 20% liên tục trong 6 tháng và sở sẽ kiểm tra, xác minh lại vấn đề này.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng thông tin, bảng giá đất được HĐND TP Đà Nẵng thông qua cho giai đoạn 2020-2024 là căn cứ năm 2019.
Thời điểm này Đà Nẵng đang đà phát triển mạnh, giá đất thị trường biến động rất cao và không ai lường được dịch COVID-19 bùng phát. Hiện Đà Nẵng đã giao các sở ngành thuê tư vấn rà soát bảng giá đất để điều chỉnh phù hợp.
Đối với các dự án ven biển có mật độ sử dụng, mật độ xây dựng thấp dưới 20% nhưng đất cây xanh, giao thông vẫn tính là đất thương mại dịch vụ, UBND TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiến nghị Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng báo cáo để Quốc hội xem xét trong Luật Đất đai sửa đổi tới đây.