Mã QR – chìa khóa chống dịch
Sau 14 ngày không còn ca mắc mới, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) được công nhận là quận xanh thứ 2 của TP Đà Nẵng với 7 phường không còn điểm phong tỏa. Hầu hết người dân đều phấn khởi khi được ra ngoài tập thể dục trong khung giờ quy định, trực tiếp đi mua lương thực, nhu yếu phẩm và tham gia nhiều hoạt động khác. Bởi lẽ, ở "vùng xanh", theo quy định của thành phố, người dân được thực hiện các hoạt động tương đối “dễ thở” hơn so với "vùng vàng".
Để giữ "vùng xanh", ban điều hành khu dân cư cùng lực lượng địa phương giữ vai trò quan trọng để công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Đại úy Nguyễn Ngọc Phương, Công an phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, nếu trước đây kiểm tra tất cả mọi người qua chốt kiểm soát, thì nay giảm mức độ kiểm soát tại các chốt bởi những người cố tình vượt chốt vốn đã nắm được vị trí, tìm đường tránh. Thay vào đó, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra bất ngờ.
“Việc tuần tra tránh tập trung cùng lúc tại chốt gây ùn tắc và nguy cơ lây nhiễm, đồng thời các chốt tự quản ở khu dân cư cũng đã làm tốt nhiệm vụ kiểm soát bước đầu, nên phương án tuần tra đảm bảo phòng chống dịch và yếu tố phòng ngừa”, đại úy Phương nói.
Nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, TP Đà Nẵng đã cấp giấy đi đường gắn mã QR cho người dân, doanh nghiệp theo đúng số lượng quy định. Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hiện thẩm quyền cấp giấy đi đường được phân cấp rõ ràng với 3 cấp. UBND quận/huyện sẽ cấp cho những doanh nghiệp, đơn vị theo quy định.
Trong khi đó, UBND phường/xã sẽ cấp cho những hộ gia đình buôn bán nhỏ lẻ tạo điều kiện cho người dân hoạt động trong phạm vi được cơ chức năng phê duyệt. Nhờ việc phân cấp thẩm định và cấp giấy đi đường trực tuyến nên cán bộ đỡ áp lực và không còn cảnh tập trung đông tại trụ sở Ủy ban.
“Khi TP Đà Nẵng vẫn còn ghi nhận ca mắc Covid-19, việc cấp giấy đi đường giúp hạn chế người dân ra đường tránh lây lan dịch bệnh nhất là ở những nơi tập trung trung đông người, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm đối với lực lượng phòng chống dịch”, ông Hùng nhìn nhận.
Trong trạng thái "bình thường mới", không còn giấy đi đường mã QR, thay vào đó, mỗi người dân Đà Nẵng cần tuân thủ 5K và sẽ có một mã QR mới được phép tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, TP Đà Nẵng hướng đến việc xét duyệt mức độ nguy cơ về dịch bệnh đối với các trường hợp đi ra/vào cửa ngõ thông qua tình trạng xét nghiệm, tiêm vaccine, đến từ đâu. Mục tiêu thứ hai và quan trọng nhất là giúp địa phương truy vết trong trường hợp có ca mắc Covid-19. Tùy từng khu vực, người dân sẽ được đi lại và tham gia các hoạt động với các mức độ cùng biện pháp kiểm soát khác nhau.
Nỗ lực phủ vaccine ngừa Covid-19
Trong đợt tiêm chủng quy mô lớn nhất gần đây, quận Sơn Trà được phân bổ và giao tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 28.200 người tại 3 điểm ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, Khu công nghiệp Đà Nẵng và tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện với 23 bàn tiêm.
Quy trình tổ chức được cải tiến, rút ngắn thời gian trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu an toàn. Một số trường học, trung tâm văn hóa - thể thao được trưng dụng do có lợi thế về không gian, bảo đảm giãn cách và không gian theo dõi người dân sau tiêm. Bình quân mỗi ngày địa phương tiêm được khoảng 7.000 người, vì vậy quận Sơn Trà rút ngắn thời gian tiêm từ 6 ngày xuống 4 ngày.
Không những thế, Bộ Y tế có thông báo không khống chế số lượng trong một điểm tiêm. Song song đó, cho phép tổ chức tiêm tại điểm cố định và lưu động, trong đó những khu vực cách ly, vùng phong tỏa, có thể tổ chức đến tiêm tận nơi như quận Sơn Trà thời gian trước.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, những đợt tiêm chủng sau này có sự vào cuộc của các địa phương khảo sát, thiết lập các điểm tiêm chủng, bố trí nhân lực hỗ trợ, lên danh sách tiêm chủng dựa vào cơ sở dữ liệu Công an Đà Nẵng cung cấp. Để có được danh sách đúng, đầy đủ và nhanh nhất, Sở Y tế có văn bản đề nghị các ngành, địa phương chủ động lập danh sách theo đúng tiêu chí quy định gửi về Sở TT-TT cập nhật. Giữa nguồn vaccine được cung cấp và việc lập danh sách phải có sự kết nối đồng bộ mới có thể triển khai hiệu quả chiến dịch.
Nếu những ngày áp dụng “ai ở đâu thì ở đó” là giai đoạn để ngành y tế đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên toàn TP Đà Nẵng nhằm tìm ra F0 trong cộng đồng một cách nhanh chóng, triệt để thì thời điểm nới lỏng các hoạt động, đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 là điều kiện tiên quyết để sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Tính đến ngày 27-9-2021, TP Đà Nẵng đã tiêm 783.947/746.506 (tiếp nhận) liều; trong đó 700.995 người đã tiêm 1 mũi (80,1%); 82.952 người đã tiêm 02 mũi (9,5 %).
Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, độ bao phủ vaccine ở người trong độ tuổi tiêm sớm bao nhiêu thì khả năng mở cửa các hoạt động, dịch vụ trở lại càng sớm bấy nhiêu. Đây vừa là yêu cầu nhưng cũng là quyền lợi của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương xây dựng kế hoạch phù hợp, bảo đảm việc tiêm chủng không bỏ sót trường hợp nào trên 18 tuổi đang sinh sống, làm việc tại địa bàn. Trước mắt ưu tiên tiêm cho người có bệnh nền, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai trên 13 tuần tuổi, ngành nghề có tiếp xúc nhiều người …
Đến cuối năm 2021, theo công văn dự kiến phân bổ vaccine của Bộ Y tế, TP Đà Nẵng được phân bổ tổng cộng 1.571.173 liều. Nếu lượng vaccine được phân bổ đủ, đến cuối tháng 10-2021, TP Đà Nẵng có thể đạt 95% số người từ đủ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và 20% được tiêm mũi 2. Đến cuối năm 2021, đạt 95% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine.