Ngày 3-9, Thành ủy Đà Nẵng đã có Chỉ thị số 41 về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.
Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát cuối tháng 7 diễn ra nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân trên địa bàn TP.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, các địa phương bạn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát; số ca nhiễm bệnh giảm nhanh.
Tuy nhiên, theo nhận định và dự báo thì tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, bùng phát và khả năng tiếp tục kéo dài, tác động tiêu cực đến nhiều mặt.
Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, ban, ngành, đoàn thể thành phố cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, không để dịch lây lan, có biện pháp thích ứng, “chung sống” an toàn với dịch; đồng thời, phải duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, trọng tâm.
Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân luôn đề phòng, nắm bắt những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, tạo ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân.
Đảm bảo đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để duy trì năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị, phòng, chống dịch. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện, truy vết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị thực hiện đồng bộ chủ trương về khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, các hình thức trực tuyến trong xử lý công việc, hội họp, phù hợp với tình hình dịch bệnh và mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Các đơn vị có liên quan trên địa bàn TP cũng cần chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, không để TP bị động, bất ngờ, đảm bảo là điểm đến tin cậy, an toàn của nhà đầu tư, du khách trong và người nước.
Triển khai tốt các biện pháp đảm bảo an ninh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, an ninh truyền thông; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Đặc biệt cần đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo UBND TP và các ngành chức năng đánh giá công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, làm rõ hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp trong thời gian đến, không để bị động, bất ngờ, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.
Triển khai xét nghiệm diện rộng để có cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, kịp thời phát hiện và có biện pháp ứng phó, kiểm soát; đồng thời tạo cơ sở chuyển trạng thái, quản lý kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Các đơn vị khẩn trương ban hành các quy định quản lý, yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để triển khai đến các cấp ngành và người dân, kèm theo các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, từng bước áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình địa phương.
Chủ động rà soát, xây dựng kịch bản, kế hoạch khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kịp thời cân đối thu, chi ngân sách sát với tình hình thu trên địa bàn; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực chi đầu tư phát triển, phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.
Chủ động thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch. Thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp sau dịch bệnh.
Các ban ngành có liên quan phối hợp tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn, nơi cư trú, nhất là quản lý người nước ngoài, không để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý xuất nhập cảnh và công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp tội phạm và các trường hợp lợi dụng dịch để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…