Tận dụng lợi thế địa phương
Ông Lê Hoàng Phúc, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, công nghệ thông tin, kinh tế số, chuyển đổi số được xác định là một trong năm mũi nhọn để phát triển kinh tế Đà Nẵng đến 2030 và xa hơn. Trong đầu tư FDI Đà Nẵng, có hơn 1.000 dự án đến từ 45 đất nước, vùng lãnh thổ với tổng giá trị đầu tư hơn 4,1 tỷ USD. Trong tổng số thu hút FDI, lĩnh vực công nghệ thông tin mới thu hút được 25 triệu USD, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, tiềm năng phát triển công nghệ thông tin nói chung, AI nói riêng của Đà Nẵng còn rất lớn khi có đầy đủ mạng lưới các trường, viện đào tạo nguồn nhân lực; có mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và sự có mặt của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn.
Ông Lê Hoàng Phúc, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
“Chúng tôi mong muốn thông qua hội thảo sẽ nhìn rõ hơn bức tranh công nghệ thông tin tại Đà Nẵng, lắng nghe các cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư có các đề xuất, thảo luận để tạo tiền đề tốt hơn cho AI TP Đà Nẵng”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Xuân Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ CNTT Naiscorp cho biết, AI mới ở giai đoạn đầu phát triển, Việt Nam có thể bắt kịp hoặc dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực. Vì vậy, cần tận dụng lợi thế địa phương như sản xuất giá rẻ, thay đổi nhanh, phù hợp bản địa. Khuyến khích những nghiên cứu ứng dụng đưa Việt Nam bứt phá tuy nhiên Việt Nam không có lợi thế đầu tư hạ tầng về AI, do đòi hỏi quá nhiều vốn. Điều này Đà Nẵng đang đi đúng hướng. Ông Tài đề xuất thành lập viện nghiên cứu chuyên sâu về AI và Modern computing, không còn đơn thuần theo mô hình tính toán nhị phân.
Hội thảo diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Ông Nguyễn Công Tiến, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng cho rằng, lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển. Nếu đầu tư, ban sẽ tạo điều kiện ưu đãi về tiền thuế đất trong suốt quãng đời dự án, miễn giảm tiền thuế suất doanh nghiệp... Hiện quỹ đất cho doanh nghiệp hoạt động về AI, Blockain còn rất nhiều. Đồng thời, ông đề xuất doanh nghiệp trẻ có thể xem xét thành lập viện nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (tận dụng mạng lưới trường đại học, doanh nghiệp AI, Blockain).
TP Đà Nẵng bước đầu đã ứng dụng AI vào quản lý, giám sát, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo về trí tuệ nhân tạo
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm giám sát, điều hành thành phố TP Đà Nẵng, thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách cho doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu TP Đà Nẵng ban hành các kế hoạch, chuyên đề về nhân lực, phát triển hạ tầng dữ liệu… Mục tiêu 2025, kinh tế số chiếm 20% tỷ trọng nền kinh tế của TP Đà Nẵng, năm 2030 đạt 30%. Theo thống kê, năm 2022, kinh tế số chiếm 17% tỷ trọng.
Thành phố mong muốn đặt hàng các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nghiên cứu giải quyết các bài toán của thành phố như: Mô phỏng, dự báo kịch bản, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; dự báo số lượng doanh nghiệp có nguy cơ giải thể, trốn thuế, vỡ nợ hoặc trở lại hoạt động; dự báo tình hình dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm...
Ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong kinh doanh, đầu tư lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Công ty Cổ phần công nghệ Hekate nhìn nhận sự quan trọng của nguồn nhân lực nên đã có hợp tác với các trường đại học ở Đà Nẵng. Đơn vị xây dựng kỹ sư cho thị trường toàn cầu (hợp tác với trường Việt - Hàn và VN-UK) với 10-20% đạt tiêu chuẩn đối với 100 đơn đăng ký. Bên cạnh đó, đơn vị tài trợ cuộc thi trí tuệ nhân tạo ở địa phương. Đối với công nghệ mới, công ty hợp tác với các tập đoàn, tham gia trực tiếp vào dự án của họ, không ngừng trau dồi kinh nghiệm.
Ông Đức kỳ vọng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về trí tuệ nhân tạo tức là đưa những chương trình AI đẳng cấp quốc tế có thể tổ chức ở địa phương; hợp tác chặt chẽ của nhiều bên như trường đại học, đơn vị doanh nghiệp, chính quyền… bằng mô hình, ứng dụng thực tế.