Đề xuất gỡ khó quy định tại cửa ngõ
Ông Kim Jinmo, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng cho biết, TP Đà Nẵng ban hành nhiều chỉ đạo, hướng dẫn cũng như các chính sách giúp kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, các công ty rơi vào thế bị động khi các chính sách phòng, chống dịch áp dụng quá nhanh khiến doanh nghiệp không kịp thích ứng. Hiện tình hình dịch dịch bệnh ổn định, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đà Nẵng mong muốn xây dựng kịch bản sống chung, vừa duy trì sản xuất vừa phòng, chống dịch.
Theo ông Jose Sanchez - Barroso Gonzalez, đại diện Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hiện các chuyên gia gặp nhiều khó khăn về thủ tục nhập cảnh nên khi máy móc hư hỏng không thể sửa chữa được. Về vấn đề cách ly khi chuyên gia nhập cảnh, hiệp hội đề nghị rút ngắn thời gian cách ly, dựa vào số mũi tiêm vaccine và số lần xét nghiệm PCR.
Theo ông Kim Jong Bok, Giám đốc Công ty TNHH LG Electronics Vietnam Hải Phòng - Chi nhánh Đà Nẵng (Trung tâm nghiên cứu LG VS tại Đà Nẵng), khi hoạt động, việc tuân thủ giãn cách là thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, một phần nhân sự cũng được duy trì làm việc ở nhà, chất lượng hạ tầng mạng ảnh hưởng lớn khi lao động làm việc tại nhà. Đặc biệt, hiện doanh nghiệp đang đối mặt với các khó khăn về tuyển nhân sự và vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước.
“Nếu không phải lý do cấp bách thì rất khó ra vào cửa ngõ TP Đà Nẵng. Chính vì vậy việc tuyển nhân sự cũng nhưng vận chuyển hàng hóa bị trì trệ, có khi không thể. Hiện các thiết bị đang phải vận chuyển về TP Hải Phòng thay vì về trực tiếp tại TP Đà Nẵng”, ông Kim Jong Bok nói.
Tạo thói quen quét mã QR khi đến cơ sở
Theo bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, TP Đà Nẵng sẽ sớm mở lại các hoạt động cơ bản để doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện thuận lợi nhất có thể. Đơn vị sẽ có điều chỉnh kịp thời phương thức thông tin về tình hình dịch bệnh và phổ biến các kế hoạch phòng, chống dịch bằng nhiều ngôn ngữ đến cộng đồng người nước ngoài, nhất là doanh nghiệp FDI một cách nhanh nhất có thể.
Từ ngày 1-1 đến 15-9, UBND TP Đà Nẵng chấp thuận cho 223 lượt người là chuyên gia người nước ngoài và người thân vào làm việc tại 56 doanh nghiệp. Đề cập vấn đề nhập cảnh chuyên gia, Sở Ngoại vụ sẽ phối hợp Sở Y tế Đà Nẵng có văn bản tham mưu tạo điều kiện ra/vào đối các chuyên gia đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, việc này cần nghiên cứu kỹ bởi thời gian qua có trường hợp lợi dụng chính sách để đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Vì vậy, TP Đà Nẵng yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm đối với các chuyên gia của từng đơn vị.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Ban quản lý Khu CNC và các KCN, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là linh hoạt chính sách với những đối tượng đã tiêm vaccine, bảo đảm các hoạt động xã hội về lại trạng thái "bình thường mới". Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư... Đây là nhu cầu bức thiết hiện nay khi các doanh nghiệp sản xuất đang gặp áp lực lớn về tiến độ giao hàng những tháng cuối năm.
Theo bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, thống nhất để các doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch và xét nghiệm nhưng phải có giám sát của ngành y tế. Không những thế, các đơn vị cần chuẩn bị tư thế sẵn sàng có thể chuyển trạng thái chống dịch sang cấp độ cao hơn nếu dịch bệnh phức tạp. Sở Y tế Đà Nẵng sẽ lên khung kịch bản chung để doanh nghiệp có thể thiết kế theo đặc điểm tình hình mỗi đơn vị.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, việc TP Đà Nẵng áp dụng biện pháp mạnh thời gian qua cơ bản đúng hướng. Tuy nhiên, những giải pháp chỉ có tính khả thi trong thời gian ngắn vì có những tác động nặng nề đến cộng đồng doanh nghiệp và đời sống người dân.
Để chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch”, ông Quảng yêu cầu doanh nghiệp có phương án cụ thể trong việc phòng ngừa, xử lý các tình huống khi có F0 tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất. Sự chủ động trong phòng, chống dịch không thể hiện ở phương án trên giấy mà chính doanh nghiệp đó đáp ứng các tiêu chí. Điển hình như, tất cả công nhân ra vào phải sử dụng mã QR để tiện truy vết, kiểm soát số lượng. TP Đà Nẵng sẽ phấn đấu mỗi người dân đều có một mã QR hiện rõ thông tin cá nhân, số mũi vaccine, xét nghiệm… thay cho giấy đi đường trước đây.
“Tức là hướng đến việc người dân đi đâu cũng có ứng dụng trên điện thoại để quét mã QR giống như thẻ xanh. Nếu không tạo thói quen về phòng, chống dịch, kiên trì 5K thì mọi phương án, chủ trương, chính sách đều không có ý nghĩa”, ông Quảng nhấn mạnh.