Theo ông Trần Quang Phương, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 136 với tỷ lệ Đại biểu Quốc hội nhất trí rất cao (93%) thể hiện sự tin tưởng cao của Quốc hội và cử tri cả nước vào sự phát triển của Đà Nẵng. Đây là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để Đà Nẵng phát huy tiềm năng, lợi thế, đột phá về kinh tế - xã hội, hiện thực hóa những quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 43. Đây là thành công bước đầu trong xây dựng, ban hành chính sách.
Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 136 với phạm vi chính sách khá rộng, trên nhiều lĩnh vực đặt ra thách thức rất lớn cho TP Đà Nẵng, đặc biệt là đối với HĐND thành phố cả về chất lượng ban hành văn bản cũng như tiến độ xây dựng.
Với chính sách về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, đây là thành công lớn trong xây dựng chính sách phát triển TP Đà Nẵng, là điểm nhấn trong Nghị quyết số 136.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP Đà Nẵng phải xem xét triển khai các vấn đề như: nguồn lực thực hiện, cơ chế ưu đãi, thí điểm cơ chế “một cửa” tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng trong Khu thương mại tự do; chế độ trách nhiệm; hoàn thiện chính sách pháp luật đối với Khu thương mại tự do; quy hoạch (vị trí nằm ở đâu, kết nối ra sao, logistics phát triển thế nào…).
Về chính sách thí điểm cho phép Đà Nẵng thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND TP Đà Nẵng có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả.
Về phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Nghị quyết quy định chính sách theo hướng trao quyền cho HĐND được quyết định. Cụ thể, đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin từ nguồn ngân sách; cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin, không thông qua đấu giá cho đối tác chiến lược; hỗ trợ từ ngân sách cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo…
“Đề nghị HĐND TP Đà nẵng xác định tiêu chí điều kiện, đảm bảo chặt chẽ, công bằng, tránh cơ chế “xin - cho”. Đồng thời, với quy định hỗ trợ không hoàn lại từ ngân sách thành phố đối với các khoản chi phí phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, cần xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách này, làm căn cứ cho việc giám sát, kiểm tra ngân sách nhà nước đúng, có hiệu quả”, ông Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Đối với chính sách về nợ của chính quyền địa phương, Nghị quyết quy định tổng dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp thay vì 60% như trước đây. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần phù hợp với khả năng thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là đủ khả năng trả nợ, đáp ứng yêu cầu dự báo, bảo đảm tính an toàn nợ công.
Về chính sách thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm khí thải, phát thải nhà kính theo cơ chế trao đổi tín chỉ carbon, đến năm 2028, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam mới được hình thành. Đà Nẵng phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, sớm tiếp cận với thị trường và thử nghiệm, có thêm kinh nghiệm, tạo ra nguồn thu mới cho thành phố.
Về chính sách tách công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập, đối với dự án nhóm B, TP Đà Nẵng được quyền thực hiện. Song, Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đà Nẵng cần phải làm chặt chẽ và cố gắng đẩy nhanh vì ách tắc nhất vẫn là giải phóng mặt bằng.