Dự án xe đạp công cộng đang được Sở GTVT TP Đà Nẵng chủ trì triển khai theo chủ trương Nghị quyết 103/NQ-HĐND ngày 15-12-2022 của HĐND TP Đà Nẵng và chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.
Theo quy hoạch, có 61 trạm với khoảng 600 xe đạp được phân bổ trên khắp địa bàn 5 quận của TP Đà Nẵng. Cụ thể, quận Hải Châu có 32 trạm, quận Thanh Khê có 5 trạm, quận Sơn Trà có 16 trạm, quận Ngũ Hành Sơn có 5 trạm và quận Cẩm Lệ có 3 trạm.
Vị trí đặt trạm xe đã được nghiên cứu, lựa chọn ưu tiên gần trạm xe buýt để kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng, gần các điểm thu hút, đảm bảo cảnh quan đô thị, không gây cản trở người đi bộ, đảm bảo an toàn giao thông, nằm trên vỉa hè thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Phương tiện sử dụng là xe đạp TNGO (do Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cung cấp) được thiết kế bắt mắt, bền chắc.
Mỗi trạm sẽ có hướng dẫn chi tiết việc cài đặt app để sử dụng xe đạp công cộng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Mỗi phương tiện được gắn một thẻ ID định danh, lắp đặt khóa thông minh, thiết bị định vị, sạc và bộ thu năng lượng mặt trời.
Khi sử dụng, cước phí phải trả tương ứng với thời gian sử dụng xe (tính theo giờ hoặc theo ngày). Giá vé theo giờ là 5.000 đồng/30 phút; giá theo ngày là 50.000 đồng/ngày cho mỗi chuyến đi không quá 7,5 giờ (được tính từ lúc mở khóa xe cho tới lúc khóa xe lần cuối cùng). Phương thức thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử Zalopay, MoMo, Payoo…
Cũng theo ông Bùi Hồng Trung, sau một năm thí điểm, Sở GTVT sẽ có tổng kết, đánh giá, báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định nhân rộng mô hình nếu dịch vụ xe đạp công cộng đạt hiệu quả, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới hệ thống giao thông xanh, bền vững.