Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, đơn vị trúng thầu hạng mục này là Liên danh Công ty CP 126 và Công ty CP Phú Xuân sẽ phân ô âu thuyền để vừa làm vừa đánh giá hiệu quả, tác động, trên cơ sở có sự giám sát, theo dõi của các cơ quan liên quan như: Sở TN-MT, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Môi trường, UBND quận Sơn Trà.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đây là lần đầu tiên thực hiện nạo vét và nhận chìm khối lượng lớn bùn tại khu vực ô nhiễm nên giai đoạn đầu sẽ vừa thi công vừa đánh giá tác động với môi trường, chưa làm ồ ạt. Vị trí nhận chìm đã được cơ quan chức năng đánh giá kỹ và phê duyệt.
Theo ghi nhận, do còn có nhiều tàu cá ngoại tỉnh neo đậu trong khu vực thi công nên Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân chỉ mới triển khai 1 cụm phương tiện sà lan và tàu ngoạm để nạo vét trong điều kiện chật hẹp, thậm chí là có tàu cá nhỏ còn chạy qua sát tàu ngoạm.
Mỗi gàu từ tàu ngoạm được thả xuống mặt nước để múc lên chất nạo vét với trữ lượng 2-3m³ rồi đổ vào sà lan có các khoang chứa có dung tích hơn 600m³, khoảng 250 gàu mới đầy 1 sà lan.
Mỗi vị trí đáy âu thuyền được đào sâu xuống khoảng 2m để thu gom lớp bùn bên trên với độ dày lớp bùn khoảng 0,5-0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, lớp sét và sét pha cát với độ dày 3 lớp này 1,3-1,5m.
Sà lan sau khi chứa đầy chất nạo vét thì được điều khiển qua các tàu cá và ra khỏi âu thuyền với tổng thời gian hơn 40 phút và di chuyển đến khu vực quy định nhận chìm tại tọa độ 16°11'25.10" độ vĩ Bắc - 108°17'32.78" độ kinh Đông, ở bên ngoài vịnh Đà Nẵng, cách phao số 0 Đà Nẵng hơn 12km về phía Đông.
Các cửa xả ở dưới đáy sà lan được mở để xả chất nạo vét xuống biển ở độ sâu 29-30m và gần như không có dòng chảy trên biển. Đây là một điều kiện thuận lợi để làm lắng nhanh chất nạo vét với đa phần là sét, sét pha cát xuống đáy biển.
Dự kiến sẽ mất khoảng 1 năm để nạo vét và nhận chìm hơn 347.000m³ bùn ở Âu thuyền Thọ Quang. Tổng kinh phí cho hạng mục này là 99 tỷ đồng do Trung ương bố trí.