Phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là địa phương đầu tiên trên địa bàn thực hiện thí điểm điều trị F0 tại nhà. Hiện tại, phường này có 183 F0, trong đó có khoảng gần 10 trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng vừa và nhẹ được cách ly điều trị tại nhà dưới sự giám sát và hướng dẫn của nhân viên trạm y tế lưu động. Người bệnh được cấp thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, theo dõi diễn tiến sức khỏe hàng ngày tại nhà.
Điều dưỡng Phạm Thị Hoa Sinh, Khoa Y tế công cộng - dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế quận Sơn Trà) cho biết, đều đặn, nhân viên y tế sẽ đến đo thân nhiệt, SP02, hướng dẫn bệnh nhân cách xử lý thuốc hạ sốt và phát thuốc vitamin C. Khi bệnh nhân có triệu chứng bất thường thì sẽ liên lạc với trạm y tế lưu động. Chúng tôi sẽ theo dõi bằng app "Da Nang smart city" thông tin các bệnh nhân F0 tại nhà.
Để thực hiện điều trị F0 tại nhà, phường Thọ Quang đã chuẩn bị 2 trạm y tế lưu động với 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng/ 1 trạm trực 24/24 để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người bệnh khi cần thiết.
Trạm y tế lưu động có chức năng kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà cũng phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển đến bệnh viện kịp thời.
Theo y sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), các y bác sĩ làm việc tại trạm y tế lưu động sẽ sàng lọc những bệnh nhân F0 thể nhẹ để giữ lại điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Những trường hợp bệnh nặng hoặc có bệnh lý nền sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên chữa trị.
Trước khi thí điểm, UBND phường Thọ Quang đã phối hợp với ngành y tế tiến hành thẩm định các điều kiện cách ly tại nhà. Các điều kiện về cơ sở vật chất tại nơi F0 cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà là nhà ở riêng lẻ, trước cửa nhà có biển cảnh báo. Nhà ở phải có phòng cách ly điều trị F0 riêng và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình.
Theo ông Lê Từ Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, phường cũng kết nối với người dân thông qua điện thoại, app. Trong đó, Tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn người thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
“Ngoài y tế, Tổ Covid-19 cộng đồng sẽ hỗ trợ giúp đỡ mua các thứ cần thiết như mua thức ăn định kỳ vài ngày/1 lần. Các tổ trưởng, Bí thư Chi bộ cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền cho những hộ dân xung quanh những thông tin cơ bản về thí điểm điều trị, cách ly F0 tại nhà và các biện pháp phòng chống dịch liên quan”, ông Hòa nói.
Hiện các địa phương chủ động, sẵn sàng kích hoạt các trạm y tế lưu động phục vụ điều trị thí điểm F0 tại nhà.
Theo ông Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, hơn 70 nhân viên y tế trên địa bàn đã được tập huấn để vận hành các trạm y tế lưu động. Căn cứ tình hình dịch bệnh, quận Sơn Trà sẽ thí điểm điều trị F0 tại phường Thọ Quang là địa phương liên tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 thời gian gần đây.
“Mỗi trạm y tế lưu động theo quy định có tối thiểu 5 nhân viên y tế. Nếu số ca mắc Covid-19 tăng cao, ngoài nhân viên y tế trong biên chế, địa phương sẽ huy động sự tham gia của đội ngũ y tế trường học, tư nhân hay đã nghỉ hưu trên địa bàn”, ông Nam nói.
Hiện nay, tình hình dịch tại TP Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi ngày có từ vài chục ca cộng đồng, nhưng hầu như không có triệu chứng. Từ việc thí điểm tại phường Thọ Quang, ngành y tế TP Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng thí điểm giao trạm y tế lưu động điều trị F0 thể nhẹ tại nhà trong thời gian tới.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, cách làm này sẽ giảm tải cho các cơ sở điều trị F0 trên địa bàn cũng như đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày 9-12, TP Đà Nẵng ghi nhận 180 ca mắc Covid-19. 166/180 ca mắc trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung nhiều nhất ở quận Liên Chiểu với 93 ca. |