Hơn 600.000 người xét nghiệm trong 7 ngày
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, 7 ngày tới, Sở tập trung nguồn lực xét nghiệm toàn bộ hộ gia đình TP Đà Nẵng với hơn 300.000 người. Tốc độ biến thể Delta lây lan mạnh gần như trong gia đình.
Trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn, TP Đà Nẵng xác định xét nghiệm đại diện hộ gia đình đối với toàn bộ người dân và cụ thể từng người dân trong vùng phong tỏa, nguy cơ cao. Đơn vị sẽ tiến hành nhiều đợt gồm đợt 1 từ 16 đến 18-8, đợt 2 từ 19 đến 21-8 và cách 3 ngày với những đợt tiếp theo. Tổng số người xét nghiệm trong vòng 1 tuần sẽ lên con số hơn 600.000 người. Hiện TP Đà Nẵng tận dụng 9 labo để xét nghiệm và thiết bị của cơ sở tư nhân để thực hiện theo tinh thần mẫu gộp thì có thể xét nghiệm SARS-CoV-2 100.000 người/ ngày. Đây là kế hoạch xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay, tạo áp lực lớn cho ngành y tế với tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm.
“Khâu tổ chức cần có sự phối hợp UBND địa phương, lấy mẫu cuốn chiếu theo từng tổ dân phố, làm theo nào để cho tất cả người dân, hộ gia đình được lấy mẫu, không sót bất kỳ trường hợp nào và cần phải thực hiện nghiêm giãn cách”, bà Yến nhấn mạnh.
Về điều trị, bà Yến cho biết quy mô TP, kể cả hệ thống y tế công cộng lẫn tư nhân và các bộ, ngành đóng trên địa bàn khoảng gần 10.000 giường phục vụ công tác điều trị.
Hiện có 3 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó ký túc xã phía Tây TP điều trị cho những bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng với mô mô 200 giường; bệnh viện Hòa Vang 200 giường là điều trị bệnh nhân mang thai, trẻ em và đặc biệt là bệnh nhân thận nhân tạo. Riêng bệnh viện Phổi có quy mô 100 giường, toàn bộ là giường hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng. Ngành y tế đang thiết lập thêm một đơn vị trung tâm hồi sức với quy mô 120 giường.
Theo bà Yến, quan trọng nhất hiện nay là giường hồi sức tích cực, với năng lực hiện tại, TP chỉ đáp ứng được khoảng 6.000 bệnh nhân trong cùng một thời điển, trong đó có 300 giường với đầy đủ thiết bị cho hồi sức tích cực. Nếu vượt qua con số này, hệ thống y tế TP sẽ quá tải. Bởi vậy, người dân lúc này cần đồng lòng với TP để siết chặt các biện pháp chống dịch, giảm hết sức số ca mắc mới.
Thiết lập hệ thống cung ứng hàng hóa
Đề cập cung ứng nhu yếu phẩm, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, xác định ưu tiên các mặt hàng thiết yếu cơ bản để đảm bảo hàng gọn nhẹ, dễ vận chuyển. Theo thống kê, TP có khoảng 30.000 hộ nghèo, cận nghèo, người lao động khó khăn…, TP sẽ hỗ trợ trực tiếp gạo, trứng, mì tôm, nước mắm, dầu ăn… theo từng combo. Những hộ gia đình còn lại sẽ cung ứng theo nguyên tắc các hộ tự chi trả, TP chỉ hỗ trợ rau, củ, riêng huyện hòa vang sẽ hỗ trợ bổ sung thịt, cá. Về nguồn hàng, TP đã huy động tất cả các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tham gia cung ứng hàng hóa, các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trong các khu dân cư, đồng thời huy động thêm các đơn vị, doanh nghiệp khác chủ yếu phân phối thịt, cá, rau, củ, quả.
Hiện hàng dự trữ đủ cung cấp trong một giai đoạn từ 3 – 4 ngày, sau đó doanh nghiệp tiếp tục nhập hàng sẽ về gối đầu. Chợ đầu mối Hòa Cường tạm ngừng hoạt động nên thành phố chủ động đặt hàng với các vựa rau ở Gia Lai và Lâm Đồng về hàng ngày khoảng 150 tấn cung ứng cho người dân. Việc cung ứng phân chia phù hợp theo từng quận theo ngày (nay quận này mai quận khác)
Sở công thương tạm thời chia làm các khu vực: Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Vang thì siêu thị …; Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà thì siêu thị Big C; Sơn Trà thì coop mart Sơn Trà, Thanh Khê, Liêu Chiểu thì coop mart Đà Nẵng; lotte mart cung ứng cho Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà;… cung ứng cho Hải Châu. Đây là dự kiến ban đầu của ngành để quận huyện liên hệ đặt hàng, do gần về địa lý. Ngoài ra, quận huyện liên hệ thêm chuỗi của hàng tiện lợi. Các đơn vị phân phối lớn về thịt cá trứng, các mặt hàng khô sẽ cung ứng cho tất cả các quận huyện.
Các quận huyện sẽ thành lập tổ hỗ trợ cung ứng hàng cho người dân gồm công an, thanh niên, tình nguyện viên,… sẽ đi thu thập các đơn hàng, đặt hàng, trả hàng cho người dân. Các phương tiện vận chuyển của đơn vị cung ứng thực phẩm sẽ được phép ưu tiên hoạt động. Nhân lực cung ứng tại các siêu thị sẽ không áp dụng 3 tại chỗ.
Bà Lê Thị Kim Phương nhìn nhận, vai trò của ngành là đơn vị trung gian, trong đó liên hệ với nhà cung ứng, các tỉnh thành để đảm bảo lượng hàng hóa nhập về thành phố một cách chủ động. Sở đứng vai trò điều phối, khi quận huyện liên hệ với nhà cung ứng không đảm bảo nhu cầu thì sở sẽ điều tiết từ nhà cung ứng khác để bổ sung nơi thiếu hụt. Nguyên tắc cung ứng là phải đặt hàng trước ít nhất 1 ngày thì mới có thời gian đặt hàng, sắp xếp và cung ứng cho dân.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kết luận, thành phố sẽ thành lập các tổ giám sát để đảm bảo hàng hóa sau khi phân phối xuống phường nhanh chóng về các tổ và đến với hộ dân sớm nhất. Bên cạnh đó, tổ chức chuyến xe lưu động tổ dân phố đại diện đặt mua. Thành phố sớm khôi phục chợ đầu mối Hòa Cường và chợ truyền thống chỉ tiểu thương tại khu vực bán nhu yếu phẩm thông qua tổ đi chợ. Ngoài ra, thành lập tổ mua sắm mặt hàng thiết yếu gồm các đại diện sở ban ngành để chọn 1 số mặt hàng, khảo sát mức sát, khi cần mua và cung cấp trực tiếp.
“Lên kế hoạch vận chuyển hàng hóa đến từng nơi với thời gian dự kiến nhanh nhất và chậm nhất, địa điểm nào, phụ trách từng giai đoạn từ đó có thể nhận biết trách nhiệm từ đơn vị nếu để chậm trễ”, ông Minh cho hay.
Tối 14-8, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ký quyết định 2788 về việc bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 30-7. Theo đó, từ 8 giờ ngày 16-8 đến 8 giờ ngày 23-8 dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng. Các hoạt động được phép thực hiện như: lực lượng phòng, chống dịch Covid-19; vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông; vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối nhu yếu phẩm cho người dân; giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ Cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính nhà nước. Bên cạnh đó, còn có hoạt động đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm chủng Covid-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung, xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé. Thực hiện tác nghiệp báo chí với tối đa 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình và tối đa 2 người/báo in, báo điện tử (trừ các loại hình tạp chí). Hoạt động tang lễ phải đảm bảo theo quy định. Những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” và được xem là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định “5K”. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thời gian dừng hoạt động phải đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị. Những người được phép tham gia các hoạt động khẩn cấp và quan trọng khác do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hoặc Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định theo thẩm quyền. |