Đà Nẵng thận trọng khôi phục du lịch sau dịch Covid-19 đợt 2

Đà Nẵng vừa lên các phương án khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ được thực hiện một cách thận trọng vừa phòng chống dịch vừa khai thác kinh doanh.
Du lịch Đà Nẵng đa dạng hoá thị trường khách du lịch quốc tế
Du lịch Đà Nẵng đa dạng hoá thị trường khách du lịch quốc tế

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch TP Đà Nẵng đã bắt đầu khởi động nhưng chưa kỳ vọng khách quay lại ngay. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp du lịch không dám mở cửa vì lo sợ lỗ. Hiệp hội phải động viên các doanh nghiệp chấp nhận lỗ để tái khởi động, tạo đà phát triển cho năm 2020. Việc này nhằm mục tiêu vừa để bảo trì bảo dưỡng cơ sở, giữ nhân viên, đào tạo nhân viên vừa giữ được thương hiệu, nguồn khách và bù một phần lỗ.

Đồng thời, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng gửi thông báo cho các đơn vị, các doanh nghiệp để đăng ký các chương trình và chủ yếu tập trung vào du lịch an toàn, du lịch trải nghiệm và du lịch điểm đến đáp ứng dịch vụ tốt nhất cho du khách với giá khuyến mãi đặc biệt như giảm giá vé tham quan, tiền thuê khách sạn...

Một số khách sạn dè chừng khi mở cửa lại
“Với kịch bản lạc quan nhất thì trong tháng 9-2020 sẽ khởi động một số chương trình cho người Đà Nẵng và các địa phương lân cận, từ tháng 10-2020 sẽ đón khách từ các địa phương khác trong cả nước và từ tháng 12-2020 hy vọng sẽ bắt đầu đón được khách nước ngoài. Mặc dù đã qua mùa cao điểm khách nội địa nhưng việc mở lại các đường bay là rất có ý nghĩa cho quá trình phục hồi thị trường”, ông Dũng cho hay.
 
Đà Nẵng thận trọng khôi phục du lịch sau dịch Covid-19 đợt 2 ảnh 2 Từ ngày 11-9, người dân thành phố Đà Nẵng được tắm biển trở lại
Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), các doanh nghiệp du lịch đã tính toán phương án để có những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của du khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Như sau đợt dịch đầu tiên, khi Đà Nẵng tung ra các gói kích cầu thì lập tức dòng khách từ hai đầu đất nước đổ về. Tuy nhiên lần này sẽ không bùng nổ như trước vì tới đây là mùa thấp điểm du lịch.

“Trong 3 tháng cuối năm, chúng ta sẽ nhắm vào lượng khách sự kiện, hội thảo. Nếu được sự hỗ trợ của Trung ương, ưu tiên hướng các sự kiện văn hóa, thể thao, hội thảo, tổng kết cuối năm cho Quảng Nam, Đà Nẵng thì lúc đó du lịch mới thực sự khởi đầu và quay lại quỹ đạo như trước đây. Ngành du lịch chỉ thực sự hồi phục khi nào có vaccine đại trà. Vì vậy, từ nay đến năm 2021, chúng ta tập trung cho khách nội địa để có những sản phẩm phù hợp, theo từng mùa vụ, từng loại khách thì sẽ thành công”, ông Tùng nói.

Đà Nẵng đã lên các phương án khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố bằng việc đưa ra các sản phẩm mới, những dịch vụ mang lại trải nghiệm cho du khách
Để từng bước phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện Sở cũng đang phối hợp với các đơn vị xây dựng các chương trình giới thiệu về các sản phẩm mới, những dịch vụ mang lại trải nghiệm cho khách trong thời gian tới nhưng sẽ cân nhắc thận trọng. Sở đã làm việc với doanh nghiệp, tham khảo các mô hình phục hồi du lịch của các nước như mô hình bong bóng du lịch, hay mô hình liên kết với các địa phương ít có nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, đơn vị nhận thấy tình hình sẽ thay đổi liên tục. Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa hoạt động đầy đủ, đặc biệt là khối khách sạn, do đó sẽ đợi thêm một thời gian nữa để theo dõi hoạt động ổn định của doanh nghiệp mới đưa ra chương trình kích cầu.

“Trước mắt chúng tôi lên kế hoạch truyền thông về hình ảnh, đời sống người dân thành phố để khách du lịch yên tâm về thành phố đang có những hoạt động ổn định hằng ngày, qua đó góp phần giới thiệu về Đà Nẵng trong tình hình hiện nay”, bà Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Thời gian này là mùa thấp điểm của khách nội địa như hàng năm, cùng với việc khách quốc tế chưa có đường bay trở lại Việt Nam khiến ngành du lịch TP gặp nhiều khó khăn
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, đợt dịch vừa qua vừa là rủi ro vừa là cơ hội để khẳng định vị thế TP Đà Nẵng đối với bạn bè trong nước và quốc tế khi mà trong một thời gian ngắn đã kiểm soát được dịch bệnh, khách du lịch đến với Đà nẵng được bảo vệ, hỗ trợ trở về địa phương và với những phản hồi rất tốt.

“Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn nỗ lực để hỗ trợ du khách với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây chính là cơ hội để quảng bá Đà Nẵng điểm đến thân thiện với du khách. Do đó, từ nay đến cuối năm, nếu biết khai thác, quảng bá thì tôi tin ngành du lịch vẫn sẽ thu hút được một lượng khách đủ lớn để các doanh nghiệp du lịch đủ trang trải, hồi sinh ở mức độ vừa phải”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 28-7-2020, toàn bộ các doanh nghiệp du lịch đã tạm dừng hoạt động kinh doanh, chỉ còn một số khách sạn hoạt động phục vụ y bác sĩ, người nước ngoài trong công tác phòng chống dịch. Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thậm chí tạm dừng hoạt động.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 644.000 lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó, ước tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng, tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục