Những người canh giặc lửa
Dịp Tết Nguyên đán năm 2023 có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ với Trung úy Bùi Ngọc Hướng (Đội PCCC&CNCH, Phòng cảnh sát PCCC&CNCH TP Đà Nẵng). Trực tết ở đơn vị, không có những món ăn mẹ thường hay nấu, thay vào đó, là những chiếc bánh chưng xanh được tự tay của Trung úy Hướng cùng đồng đội của mình chuẩn bị… Tuy không đẹp, không tươm tất nhưng hoạt động ý nghĩa này đã giúp các chiến sĩ trẻ vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.
Tuy vậy, theo Trung úy Hướng, ngày tết, các chiến sĩ PCCC&CNCH vẫn phải luôn trong tâm thế lên đường bất kể thời điểm nào để chiến đấu với “giặc lửa”. Trang thiết bị, phương tiện được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo công tác phản ứng nhanh, hiệu quả khi có cháy nổ xảy ra.
Cán bộ chiến sĩ kiểm tra, bảo dưỡng vật dụng để phục vụ việc chữa cháy, cứu nạn cứu hộ |
“Là chiến sĩ làm công tác cứu nạn cứu hộ thì bản thân đã luôn sẵn sàng rồi, những ngày tết người ta đi chơi với bạn bè nhưng anh em ở đây vẫn ở trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, được bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân thì đó là niềm tự hào, làm sao cố gắng để nhân dân có cái tết bình an”, Trung úy Hướng nói.
Chạy đua với tử thần
Khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, tại Bệnh viện Đà Nẵng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), sự khẩn trương vẫn luôn thường trực tại Khoa Cấp cứu. Lúc này, Khoa Cấp cứu đang có 3-4 bệnh nhân mới được chuyển đến. Mỗi ca trực cấp cứu được bố trí 6 bác sĩ, 10 điều dưỡng, 4 nhân viên phục vụ làm việc. Thao tác nhanh nhẹn, sau khi bác sĩ chẩn đoán, các điều dưỡng viên quần quật làm việc như một con thoi. Vừa tiếp nhận bệnh nhân, họ nhanh chóng sơ cấp cứu ban đầu.
Tranh thủ thời gian hiếm hoi, bác sĩ Dương Ngọc Thành, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đối với những người công tác trong ngành y thì ngày tết cũng như ngày thường, thậm chí công việc còn bận rộn, áp lực lực hơn rất nhiều. Bởi ngày lễ, tết, lượng người tham gia giao thông tăng đột biến nên các vụ tai nạn giao thông cũng tăng so với ngày bình thường. Ngoài ra, không ít các vụ ẩu đả, ngộ độc sau khi vui chơi, tiệc tùng khiến phòng cấp cứu hiếm khi được yên tĩnh.
“Luôn phải chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân nhưng mọi mệt nhọc có thể xua tan nhanh chóng, niềm vui nhân lên khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh, sớm được ra viện”, bác sĩ Thành nói.
Mỗi ca trực cấp cứu được bố trí 6 bác sĩ, 10 điều dưỡng, 4 nhân viên phục vụ làm việc |
Cũng theo bác sĩ Thành, ngoài những kíp trực có mặt 24/24 ở tại phòng cấp cứu thì tất cả những nhân viên y tế của khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng cũng sẵn sàng tiếp ứng trong trường hợp bệnh quá đông, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
Cùng với đó, bệnh viện Đà Nẵng cũng phân chia 4 cấp trực đảm bảo chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế trong những ngày Tết. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, bệnh viện đã phân chia trực 4 cấp từ các cấp lãnh đạo đến các khoa phòng. Để đảm bảo chăm sóc y tế và cấp cứu trong những ngày Tết Nguyên đán, Bệnh viện sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế cho việc cấp cứu, điều trị. Công tác cấp cứu cũng sẵn sàng phương án tiếp nhận và xử lý những trường hợp chấn thương liên quan đến pháo nổ cũng như tai nạn giao thông do uống rượu bia.
Bác sĩ chẩn đoán, sơ cấp cứu ban đầu cho những bệnh nhân mới nhập viện |
Còn với Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng cảnh sát PCCC&CNCH TP Đà Nẵng, để động viên các chiến sĩ trẻ có cái tết đầm ấm, đơn vị đã tổ chức các hoạt động gói bánh chưng tặng cho các cán bộ chiến sĩ. Bên cạnh đó, đơn vị bố trí 20% cán bộ chiến sĩ thay nhau cũng như chỗ nghỉ ngơi, vừa đảm bảo chế độ thường trực vừa có thể ăn tết.
Clip trực tết của lính cứu hỏa và nhân viên y tế |