Mở rộng không gian ngầm
Đến năm 2030, dự báo dân số Đà Nẵng khoảng 1,56 triệu người, tính cả dân số quy đổi khoảng 1,79 triệu người. Tốc độ tăng dân số bình quân đạt 2,9%/năm. Trong đó tăng tự nhiên khoảng 1,35-1,4%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%.
Để giải bài toán dân số, Quyết định số 1287/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển không gian đô thị TP Đà Nẵng theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu. Khu vực phát triển đô thị mới thì tập trung về phía Tây, Tây Bắc.
Quá trình đô thị hóa sẽ gia tăng áp lực đến điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông bộ hành, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Đáng chú ý là ý tưởng giãn dân từ trung tâm ra đô thị ven. Hệ thống đô thị Đà Nẵng bao gồm khu vực đô thị trung tâm (6 quận hiện hữu) và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp sẽ định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. Quy hoạch cũng điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực.
Đối với khu vực đô thị mới, thành phố tập trung phát triển theo hướng giảm mật độ xây dựng, ưu tiên phát triển nhà cao tầng, tăng hệ số sử dụng đất. Huyện Hòa Vang sẽ phấn đấu xây dựng phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù ở hải đảo.
Đồng thời, quy hoạch sẽ phát triển Đà Nẵng trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực. Đà Nẵng sẽ hình thành 7 cực, trung tâm phát triển kinh tế - xã hội và 2 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 4 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết phát triển kinh tế - xã hội.
Cái khó của Đà Nẵng là công trình di sản không nhiều nhưng thành phố vẫn tạo ra được những công trình kiến trúc hiện đại. TP Đà Nẵng sẽ hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng, tạo sức hấp dẫn về một khu trung tâm kinh doanh thương mại hiện đại, chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống.
Đà Nẵng dự kiến xây dựng đường hầm qua sông Hàn thời kỳ 2031-2045. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Không chỉ vậy, việc định hướng phát triển không gian ngầm khu vực trung tâm như tại công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị... giảm áp lực về hạ tầng đô thị hiện nay. Điển hình xây mới đường hầm qua sông Hàn có điểm nối từ Đống Đa đến Vân Đồn thời kỳ 2031-2045…
Giao thông “đi trước một bước”
Từ sau giải phóng đến nay, nhất là sau 26 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với năm 1997. Một trong những thành công mang dấu ấn đậm nét của địa phương là đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Để mở rộng không gian đô thị, thực tiễn, hạ tầng giao thông luôn có sứ mệnh “mở đường”.
Theo Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ triển khai hàng loạt dự án giao thông mang tính dấu ấn. Trước hết, các tuyến đường huyết mạch được đẩy mạnh đầu tư như tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; Quốc Lộ 14B thuộc địa phận Đà Nẵng quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe…
Trong khi đó, mạng lưới đường đô thị sẽ nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên sân bay kết nối phía Đông và phía Tây; bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam hầm Hải Vân - Túy Loan… tạo thành trục chính kết nối Đông – Tây.
Đoàn công tác Trung ương liên tục có những buổi kiểm tra thực tế dự án Bến cảng Liên Chiểu đảm bảo dự án xây dựng đúng định hướng, tiến độ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Ở lĩnh vực giao thông công cộng, Đà Nẵng sẽ xây dựng 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 3 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển. Một số tuyến LRT sẽ tận dụng, mở rộng quỹ đất đường ray có sẵn của nhánh đường sắt quốc gia Bắc - Nam để xây dựng, đồng thời kết hợp tái phát triển đô thị dọc trục hành lang tuyến LRT theo định hướng TOD.
Đồng thời, xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa TP Đà Nẵng với thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Đặc biệt, địa phương phát triển loại hình giao thông phi cơ giới, hình thành các tuyến đường dành riêng cho xe đạp để khai thác du lịch trải nghiệm.
Về đường sắt, Đà Nẵng sẽ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường quốc gia đi cùng hành lang, chạy song song đường bộ cao tốc về phía Đông; quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam tại Ga Đà Nẵng mới sau năm 2030. Di dời ga Đà Nẵng, xây dựng nhà ga đường sắt mới tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc thuộc khu vực xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).
Trong khi đó, đường hàng không đến năm 2050 sẽ mở rộng khu hàng không dân dụng, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên 30 triệu hành khách/năm với các phân khu chức năng đa dạng, dịch vụ chất lượng cao, kết nối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Mở rộng sân đỗ máy bay. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Ở lĩnh vực cảng biển, địa phương đầu tư xây mới cảng Liên Chiểu là cảng hàng hóa và các bến công vụ, sà lan, công suất đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050, tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên, tàu công ten nơ có sức chở đến 8.000TEU. Khu bến Tiên Sa sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch quốc tế phù hợp tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng sẽ có 11 luồng tuyến đường thủy nội địa trên các sông với tổng chiều dài dự kiến là 98,9km. Tuyến sông Hàn - sông Vĩnh Điện sẽ chuyển thành luồng địa phương khi đủ tiêu chí theo định hướng quy hoạch đường thủy nội địa quốc gia.
Như vậy, tháo “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông được xem là tiền đề cho các hạ tầng khác phát triển đồng bộ, bảo đảm tính kết nối thuận lợi, hợp lý và hiệu quả.