Đà Nẵng cũng sẽ là trung tâm du lịch quốc tế gắn với trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Đây là mục tiêu quan trọng, tạo bàn đạp để Đà Nẵng vươn mình phát triển đột phá và bền vững trong thời gian tới.
Với quy hoạch chung được phê duyệt, Đà Nẵng từng bước cơ cấu ngành kinh tế, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, làm mới động lực tăng trưởng cũ.
Cơ cấu nền kinh tế
Du lịch được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những ngành kinh tế có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Với việc đón 8,7 triệu lượt khách năm 2019, tỷ lệ đóng góp du lịch vào GRDP của địa phương này đã đạt tới 31,4%. Đây được xem là tỷ lệ đóng góp vào loại lớn nhất so với các địa phương có ngành du lịch phát triển trong cả nước.
Chính quyền Đà Nẵng không ngừng quan tâm, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tuy vậy, qua các đợt dịch Covid-19, Đà Nẵng đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có vấn đề cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, khi du lịch và dịch vụ chiếm hơn 60%. Năm 2020, lần đầu tiên kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm.
Để chắp cánh cho địa phương này về một chặng đường mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tận dụng nguồn lực đã có, Đà Nẵng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh, tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, chính và bổ trợ. Phát triển du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, kết hợp với ứng dụng công nghệ và gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống. Định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình; ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.
Để tránh thế độc canh về du lịch, về công nghiệp, Đà Nẵng nhận diện trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Bằng cách tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ phát triển các ngành logistics - vận tải, kho bãi... Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế. Hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II và các trung tâm logistics chuyên dụng…
Đà Nẵng sẽ là trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực
Theo quy hoạch, 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm mà Đà Nẵng tập trung là phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao. Đà Nẵng định hướng tăng trưởng bình quân của ngành đạt 8,5%/năm. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính chất lượng. Phát triển các phương tiện, hình thức thanh toán mới, hiện đại, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển bền vững các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa, đảm bảo an ninh, an toàn.Từ định hướng này, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61-62%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD.
Chuyển đổi số là động lực mới, cơ hội đột phá
Định hình sự phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, quy hoạch lần này được xây dựng dựa trên quan điểm đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển theo chiều sâu kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm định hướng. Đặc biệt, bên cạnh phát triển trụ cột về du lịch, kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số được xem là một trong những trụ cột chính để tập trung phát triển.
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo đó, Đà Nẵng hướng đến việc hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh, thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của TP Đà Nẵng.
Địa phương sẽ hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung và chuỗi khu công viên phần mềm, tạo sự liên kết trong nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng xuất khẩu.
Thanh niên là lực lượng đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Đà Nẵng cũng xác định phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo tinh thần kết hợp tự cường sáng tạo và hợp tác quốc tế có chọn lọc; nghiên cứu xây dựng, áp dụng các cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số…
Bên cạnh đó, thành phố sử dụng các nền tảng công nghệ số tương tác để người dân tham gia giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng kết nối với hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia.