5 chiến lược kiểm soát Covid-19
Thời gian qua, Đà Nẵng đã vận dụng thực hiện tốt 5 chiến lược kiểm soát Covid-19 theo các phương châm, như: ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ ngoài thành phố, chủ động phát hiện sớm bệnh nhân Covid-19, truy vết thần tốc, giãn cách xã hội, cách ly và khoanh vùng khẩn trương, điều trị hiệu quả.
Theo đó, Đà Nẵng triển khai 25 chốt kiểm soát dịch liên ngành tại cửa ngõ ra vào thành phố; công tác giám sát chủ động được chỉ đạo xuyên suốt thông qua hệ thống chính quyền, các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể địa phương và đặc biệt hơn 1.000 tổ Covid-19 cộng đồng.
Công tác xét nghiệm diện rộng được triển khai mạnh mẽ, có chọn lọc theo khu vực, như: khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, khu vực cơ quan hành chính, sự nghiệp, khu vực các cơ sở y tế, các chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lấy mẫu 100% đại diện hộ gia đình trên địa bàn. Tăng cường tốc độ tổ chức xét nghiệm, lấy mẫu, xử lý mẫu và trả kết quả xét nghiệm, có thể đạt tối đa 65.000 người xét nghiệm/ngày. Riêng tại quận Sơn Trà có thể đạt tốc độ lấy mẫu 25.000 mẫu/ngày.
Truy vết thần tốc các trường hợp liên quan đến các chuỗi lây nhiễm để phát hiện các trường hợp F0, tách khỏi cộng đồng, cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm các trường hợp F1 và các trường hợp liên quan, cắt đứt nguồn lây nhiễm.
Đà Nẵng có 42 cơ sở cách ly đang thực hiện cách ly gần 4.000 trường hợp F1 và đi về từ các địa phương có dịch trên cả nước. Triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà (F1 đã thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, đủ điều kiện theo quy định thì tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm) giảm áp lực quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung.
Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thực hiện một cách thần tốc. Tính từ ngày 3-5 đến nay đã truy vết, xác định cách ly 11.256 trường hợp F1, 30.199 trường hợp F2 và trường hợp nguy cơ cao.
Các biện pháp giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động không cần thiết, không thiết yếu để hạn chế tối đa tập trung đông người, ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, trừ một số trường hợp cho phép được quy định; có phương án kiểm soát bằng giấy đi đường và phiếu đi chợ, thành lập 215 chốt kiểm soát trong nội địa để kiểm tra, giám sát việc ra ngoài của người dân, các giải pháp vừa kiểm soát, giám sát, vừa hỗ trợ, hạn chế tối đa việc xáo trộn, làm ảnh hưởng đời sống nhân dân, qua đó đã góp phần làm giảm sự lây lan, giảm các trường hợp F1.
Ngoài Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi, TP Đà Nẵng đã chủ động thiết lập và đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến khu ký túc xá Phía Tây TP Đà Nẵng với công suất thu dung 1.700 bệnh nhân. Đà Nẵng đang chủ động giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng phương án thiết lập thêm Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.
Nhiều phương án tiếp cận nguồn vaccine
Đến nay, Sở Y tế đã tiếp nhận 97.850/185.450 liều được phân bổ, chiếm 52,76%. Tính đến ngày 9-8-2021, tổng số mũi tiêm 58.427 (đạt 60% so với số vaccine đã tiếp nhận), trong đó có 7.456 người đã tiêm đủ 2 mũi; số trường hợp phản ứng thông thường chiếm khoảng 20%; số trường hợp phản ứng nặng là 1 và đã kịp thời xử trí cấp cứu và không để lại biến chứng cho người bệnh.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, Sở Y tế đang tiếp tục tiêm vaccine Pfizer và vaccine AstraZeneca cho các đối tượng tại các điểm tiêm chủng, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đến ngày 18-8 thực hiện hoàn thành 100% liều vaccine đã được tiếp nhận.
“Nếu số lượng vaccine được Bộ Y tế phân bổ đủ như đề xuất của TP Đà Nẵng, dự kiến đầu năm 2022, đạt mục tiêu người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19, đảm bảo khả năng miễn dịch cộng đồng”, bà Yến cho biết.
Không những vậy, TP Đà Nẵng và các doanh nghiệp đã chủ động tích cực tìm kiếm các nguồn vaccine phòng Covid-19 từ các tập đoàn, công ty có trụ sở ở nước ngoài để góp phần nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm đi vào hoạt động nhằm phục hồi kinh tế. Với sự xúc tiến tích cực của Tập đoàn UAC và sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao của TP Đà Nẵng trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện nội dung xin hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 nêu trên.
Để triển khai, nhân lực tham gia công tác tiêm vaccine tại TP Đà Nẵng được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng. Hệ thống dây chuyền lạnh của thành phố có đủ năng lực tiếp nhận, bảo quản và phân phối vaccine Covid-19 tại các tuyến theo từng giai đoạn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể và địa phương trong việc rà soát, lập danh sách các đối tượng tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng lưu động và cố định đã được thiết lập đảm bảo phương tiện, nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác theo dõi và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau khi tiêm vaccine.
Tuy nhiên, TP Đà Nẵng là một trong những trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu hút một số lượng lớn người lao động, khách du lịch, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và là địa phương có số lượng lớn doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, đến nay số lượng vaccine được phân bổ còn hạn chế so với nhu cầu tiêm vaccine của thành phố. Việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 diễn ra trong tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian triển khai gấp rút nên các đơn vị rất vất vả trong việc điều phối công việc.