Từ những việc như hư hỏng nắp cống, đường ống nước đến công việc thuộc thẩm quyền của lãnh đạo TP Đà Nẵng đều được các trang Facebook thuộc các cấp đơn vị trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp nhận và xử lý rốt ráo. Có những việc tưởng chừng đơn giản nhưng trước kia có thể mất đến 1 tháng để tiếp nhận và giải quyết, thế nhưng nhờ ứng dụng của mạng xã hội trong quản lý đô thị mà nay có thể xử lý nhanh chóng ngay trong ngày.
Tài khoản Bảo Châu đăng tải một phản ánh có nội dung tại phường Hòa Thuận Nam (quận Hải Châu) xuất hiện một hố sụt lún trên vỉa hè gần khu vực gần trường THCS Lý Thường Kiệt. Điều này gây nguy hiểm cho người đi đường, nhất là các em học sinh. Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, ngành chức năng đã tiếp nhận đến sửa chữa và phản hồi kết quả lại trên bài viết.
Đó chỉ là một trong hàng chục bài viết phản ánh của người dân được đăng tải trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi –Xanh –Sạch – Đẹp (gọi tắt là Quản lý đô thị Đà Nẵng) mỗi ngày. Không chỉ có phản ánh các vấn đề về đô thị mà những thắc mắc của người dân, thông báo của các đơn vị cũng được các thành viên trong nhóm tương tác tích cực giúp công tác quản lý các cấp ngày càng hoàn thiện để phục vụ nhân dân.
Cùng vào thời điểm này, mạng xã hội Facbook đang phát triển mạnh tại Việt Nam, số người sử dụng trên địa bàn TP khá cao nên anh nảy ra ý tưởng sử dụng mạng xã hội này để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Nghĩ là làm, anh liền xây dựng một kịch bản cụ thể để làm đề tài chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đến ngày 11-3-2013, trong buổi bảo vệ đề tài, anh đã đề xuất vấn đề lập trang mạng xã hội để tương tác với người dân với lãnh đạo văn phòng, lãnh đạo thành phố. Được sự chấp thuận từ cấp lãnh đạo, trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi –Xanh –Sạch – Đẹp đã được ra đời ngay trong ngày hôm đó.
Anh Duy cho rằng, thông qua Facebook các cán bộ của phòng, sở ngành có thể nhận được thông tin người dân để nắm bắt những lỗi trong đô thị, kịp thời sửa chữa, khắc phục nhằm tránh bức xúc trong cộng đồng, nhân dân một cách thiết thực.
Sau khi các đơn vị xử lý các phản ánh xong sẽ phản hồi công khai kết quả, do đó trang lại càng được người dân tin tưởng tham gia ngày một đông. Đến thời điểm hiện tại, trang đã có gần 110.000 thành viên do 11 quản trị viên (trong đó có 5 lãnh đạo cấp sở, ngành) phê duyệt bài viết, xử lý thông tin.
Gắn kết người dân với chính quyền qua Facebook
Những năm trước, môi trường đô thị của phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng an ninh trật tự tại địa phương luôn là vấn đề được nhắc tới. Đến khoảng giữa năm 2019, trang Facebook của phường được lập ra để tiếp nhận thông tin của người dân cùng sự quyết tâm của các lãnh đạo trẻ, tình hình trật tự đô thị tại địa phương này có nhiều bước tiến rõ rệt.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, cũng là người sáng lập trang cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi nhận được khoảng 4-5 phản ánh của người dân, việc này rất quý vì thông tin rất nhanh chóng để phường xử lý, khắc phục nên tạo được lòng tin trong nhân dân ngày càng lớn. Dần dần thói quen sinh hoạt của người dân đi vào nề nếp, các vấn đề đô thị tiến triển tốt”.
Không chỉ được thành lập ở phường Nại Hiên Đông, hiện nay rất nhiều địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng thành lập trang Facebook để tương tác với người dân. Có thể kể đến một số trang như của phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn… cũng thường xuyên đăng tải thông tin phản hồi ý kiến, các hoạt động trên địa bàn để mọi người dễ tiếp cận.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó Phòng Văn hóa – Xã hội thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND TP Đà Nẵng, thực ra việc xử lý thông tin trên mạng xã hội như cách làm tại địa phương cũng là mô hình quản lý đô thị một cấp tiến bộ, có nhiều địa phương trên cả nước học tập theo. Đồng thời, từ hiệu quả từ cách làm tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng đã sử dụng mô hình quản lý của địa phương làm ví dụ điển hình cho quản lý đô thị tốt ở Việt Nam tại một số hội nghị quốc tế. Đã có rất nhiều đại biểu ngạc nhiên khi chúng ta đã dùng mạng xã hội để tương tác với người dân một cách hiệu quả. |