Hơn 2 năm qua, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều lần Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp. Thế nhưng, độc giả của thư viện vẫn không bị gián đoạn việc mượn, đọc sách.
Tranh thủ lúc đi làm về, chị Phạm Thu Hằng (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ, trước đây, chị vẫn duy trì thói quen đến thư viện đọc sách mỗi ngày vì không gian rộng rãi, yên tĩnh, nhiều cây xanh. Dịch bệnh ảnh hưởng, chị chuyển đổi từ việc đọc tại chỗ sang mượn sách về nhà. Sau khoảng 10 ngày, chị trả sách hoặc gia hạn thêm ngày nếu chưa có thời gian đọc hết. Điều này cũng giúp chị yên tâm hơn, hạn chế tiếp xúc với nhiều người.
Mặc khác, trước nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, thư viện xác định tập trung đẩy mạnh thư viện số, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin để có thể phục vụ bạn đọc bất kể thời điểm nào.
Theo ông Phạm Xuân Thu, Trưởng phòng Tin học, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, trong thời gian giãn cách, đơn vị cấp khoảng 400 thẻ thư viện miễn phí cho độc giả theo hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân truy cập miễn phí tại 2 trang: thuviendientu.thuvien.danang.gov.vn và sachdientu.thuvien.danang.gov.vn để mượn, đọc sách điện tử.
Theo thống kê, lượt truy cập và mượn, đọc 2 trang web này trong thời gian dịch bệnh khá cao, trung bình gần 1.500 lượt mượn đọc/tháng.
Không những thế, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng liên tục nâng cấp website và tài liệu để phục vụ bạn đọc trực tuyến. Đến nay, thư viện có gần 12.000 sách điện tử bản quyền và hàng trăm ngàn đầu sách liên kết với các đơn vị trên cả nước để phục vụ bạn đọc.
Vừa qua, đơn vị cũng ứng dụng thành công chatbot (trả lời tin nhắn tự động) vào các trang sách điện tử để trao đổi, hỗ trợ bạn đọc nhanh nhất có thể.
“Từ hiệu quả phục vụ sách điện tử, thư viện đẩy mạnh nghiệp vụ trích báo, tạp chí bằng cách số hóa báo giấy đưa lên trang web của thư viện. Tác phẩm báo, tạp chí được trích là những bài viết về Đà Nẵng, Quảng Nam, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu của độc giả”, ông Thu cho biết.
Để triển khai “Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn, nhiệm vụ chính vẫn là nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người làm công tác thư viện về vai trò và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số ngành thư viện đồng bộ với chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng hệ sinh thái với nội dung phong phú, sinh động...
Theo bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, hiện đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội để trao đổi, duy trì kết nối với bạn đọc. Song song đó, tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở; hợp đồng, thuê, mua dữ liệu sách số, chú trọng tài nguyên giáo dục mở. Trong đó, duy trì phát triển thư viện số, thư viện điện tử.
“Thời gian tới, đơn vị phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để cung cấp dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của các thư viện, trang bị các thiết bị mượn trả tự động ở Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và thư viện quận, huyện để nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc”, bà Phượng nói.
Trong quá trình chuyển đổi, Thư viện triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, bảo đảm cơ chế sao lưu, phục hồi máy chủ, máy trạm, các thiết bị đầu cuối liên quan. Đặc biệt, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số.