Tại buổi làm việc, ông Bùi Khánh Nguyên, Phó Chủ tịch Phụ trách Quan hệ Chính phủ, Truyền thông và Bền vững của Coca Cola cho biết, năm 1995 đơn vị được cấp giấy phép đầu tư để hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng. Công ty đã hoạt động gần 30 năm qua. Đơn vị đã phát triển dự án đầu tư hơn 100 triệu USD tại nhà máy ở Đà Nẵng và tuyển dụng 700 lao động tại địa phương. Không chỉ vậy, đơn vị có những hoạt động góp phần trong chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tại địa phương.
Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức chương trình góp phần lan toả phong cách sống xanh, hướng tới sản xuất tiêu dùng bền vững tại địa phương. Ảnh: Sở Công thương Đà Nẵng |
“Có kết quả đáng mừng như trên, công ty thực sự trân trọng môi trường kinh doanh tại Đà Nẵng với nhiều chính sách hỗ trợ mang tính đột phá của TP Đà Nẵng”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến năm 2028 thời hạn thuê đất của Coca Cola tại địa phương sẽ hết hạn. Trước thời điểm dịch Covid-19 đơn vị cũng khởi động việc xin gia hạn lại cho nhà máy tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Lúc đó chính quyền TP Đà Nẵng đã có chủ trương cho phép được tiếp tục trong thời gian 20 năm, tức là đến năm 2045. Vì một số nguyên nhân khách quan, đơn vị chưa khởi động việc nộp hồ sơ. Sau dịch Covid-19, đơn vị xin nộp hồ sơ gia hạn lại thì chính quyền TP Đà Nẵng có phản hồi chỉ cho phép xin gia hạn 3 năm tức đến năm 2028 để khớp khung thời hạn thuê đất.
Chính phủ phê duyệt quy hoạch 359 về điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2023 tầm nhìn đến năm 2045 vào tháng 3-2021. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
“Công ty nhận thấy với một khoản đầu tư doanh nghiệp lớn, với 1 nhà máy trên 100 triệu USD thì cam kết đầu tư trong thời gian 3 năm thực sự là sức ép cho doanh nghiệp. Đầu tư nhà máy tức là đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ, con người, thì thực sự 3 năm không giúp được doanh nghiệp nhiều trong việc quản lý và đầu tư phát triển kinh doanh của đơn vị. Công ty mong muốn cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dài hạn ở Đà Nẵng”, ông Nguyên cho hay.
Buổi làm việc theo phương thức vừa trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực kiêm Trưởng đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, vấn đề thuê đất của Coca Cola gặp khó trong vấn đề thuê đất không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng mà còn xảy ra ở TPHCM,… Hội đồng cũng đã trao đổi vấn đề này với địa phương liên quan và lãnh đạo chính phủ, bộ ngành phụ trách. Tinh thần chung là hội đồng cũng như đơn vị thành viên vẫn ủng hộ những chủ trương chính sách của chính phủ và địa phương. Tuy nhiên, khi cân nhắc đến điều kiện đặc thù để chọn xem nguyên tắc nào ưu tiên trước, hội đồng đề nghị Chính phủ và chính quyền mỗi địa phương cân nhắc đến hoàn cảnh đặc thù của mỗi trường hợp cụ thể.
Trả lời vấn đề này, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, tháng 3-2021 Chính phủ phê duyệt quy hoạch 359 về điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2023 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nội dung là Đà Nẵng sẽ di dời tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực nội thành, khu dân cư nhường lại quỹ đất để phát triển hạ tầng về thiết chế văn hóa xã hội phục vụ cho người dân.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng giải đáp. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Đối với trường hợp của Coca Cola giấy phép đầu tư còn dài tuy nhiên gia hạn đất chỉ còn đến năm 2028. Hiện nay, vấn đề này không chỉ mình Coca Cola gặp phải mà còn rất nhiều doanh nghiệp thành viên cũng gặp trường hợp tương tự, như Công ty dệt may Vinatex,… Khi hết thời hạn thuê đất, địa phương đều không gia hạn để phục vụ lợi ích cho người dân như công viên, bãi đỗ xe,…
Bên cạnh đó, ông Minh đề nghị Coca Cola đến làm việc với Sở Công thương, Sở KH-ĐT, Ban quản lý KCN và KCNC tìm giải pháp lâu dài để Coca Cola có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Đà Nẵng.