Hướng tới văn hóa đường tàu “xanh, sạch, đẹp”
Sáng 4-8, Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức lễ ra quân hưởng ứng phong trào “Đường tàu – Đường hoa” tại khu vực Tuyến đường sắt Thống nhất (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ).
Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa" trên phạm vi 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua. Phong trào này được thực hiện cơ bản theo mô hình xã hội hóa và dự kiến triển khai thực hiện trong 3 năm (từ tháng 3-2023 đến tháng 3-2025).
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng tham gia lễ ra quân tại Đà Nẵng |
Tại TP Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng đã phát động phong trào “Đường tàu – Đường hoa” từ tháng 4 và phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện ở những khu vực có đường sắt đi qua.
Theo ông Trần Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng, trong tháng 5, công ty đã phối hợp với một số đơn vị và người dân triển khai thực hiện phong trào “Đường tàu – Đường hoa” tại khu vực ga Đà Nẵng. Đồng thời, triển khai trồng hoa ở các khu vực nhà chắn và một số tuyến đường sắt trên địa bàn thành phố.
“Ý nghĩa lớn nhất của phong trào này là văn hóa đường sắt phải xanh, sạch, đẹp. Hơn nữa, Đà Nẵng là một thành phố du lịch nên chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương cùng thực hiện để tạo nên cảnh quan hài hòa cho tuyến đường sắt phục vụ du khách”, ông Trần Minh Nghĩa nói.
Sau hơn 4 tháng phát động, hiện nay, tất cả các khu vực nhà chắn từ Ngã Ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm đã được triển khai dọn dẹp và trồng hoa để cải tạo cảnh quan.
Người dân vui mừng khi đường tàu "khoác áo" mới
Hưởng ứng phong trào “Đường tàu – Đường hoa”, thời gian qua nhiều hộ dân quanh khu vực đường sắt cũng đã chủ động trồng và chăm sóc những khóm hoa ngay trước nhà với phương châm "Mỗi cung đường – Một loài hoa; Mỗi khu ga – Một điểm đến".
Người dân ủng hộ phong trào "Đường tàu - Đường hoa" |
Hơn 20 năm sống ở khu vực ga Đà Nẵng, bà Lê Ngọc Thư (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) cho biết, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa giúp nâng cao ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh chung, trước hết là khu dân cư, sau đó là đường tàu.
“Từ khi chính quyền phát động phong trào “Đường tàu – Đường hòa”, không chỉ riêng tôi mà bà con quanh khu vực đều tỏ ra phấn khởi khi nhìn thấy đường tàu khoác áo mới”, bà Thư nói.
Cùng quan điểm trên, ông Hà Văn Minh (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho rằng: "Việc trồng hoa quanh khu vực đường tàu không chỉ đem lại tính thẩm mỹ cao mà còn có tác dụng cản bụi mỗi khi tàu đi qua. Vì thế, rất mong bà con chung tay hành động, phối hợp với chính quyền để không gian hai bên đường tàu trở nên sạch đẹp, trong lành và văn minh hơn".
Lãnh đạo các đơn vị tham gia trồng hoa |
Về lâu dài, hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam với mục tiêu đường sắt sẽ trở thành điểm nhấn của du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Tùy vào khí hậu của từng địa phương, người dân sẽ lựa chọn những giống hoa phù hợp để trồng và chăm sóc.
Ông Trần Minh Nghĩa cho hay, Công ty cổ phần Đường Sắt Quảng Nam – Đà Nẵng cũng đã phối hợp với UBND các quận, huyện, tổ dân phố để tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia thực hiện văn hóa vừa khu dân cư vừa đường sắt tại địa phương.
Đồng thời, duy trì công tác bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt của thành phố.