Theo đó, du khách có thể tìm kiếm điểm đến, khách sạn, tour, nhà hàng, đặt sản phẩm, lên kế hoạch chuyến đi, thanh toán trực tuyến và tương tác trên mạng xã hội với cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ hỗ trợ. Các doanh nghiệp cũng quản lý phòng, dịch vụ, booking, nhà cung cấp, khách hàng thuận lợi hơn.
Đặc biệt, với mô hình này, cơ quan quản lý Nhà nước có thể tích hợp phân tích nhu cầu, thói quen khách hàng, hỗ trợ cho việc quy hoạch, ban hành chính sách du lịch địa phương.
Trong năm 2022, Sàn thương mại điện tử và Triển lãm ảo miễn phí giao dịch, phí quảng cáo, phí tham gia. Từ tháng 1-2022, Sàn thương mại điện tử cũng hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp du lịch làm quen, tiếp cận, đưa sản phẩm lên sàn.
Theo ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, năm 2022, ngành du lịch thực hiện chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, trong đó đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng du lịch thông minh.
Việc thành lập Sàn thương mại điện tử kết hợp Triển lãm ảo du lịch nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, chống thất thu thuế, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước và góp phần tạo thêm lợi thế cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận nhiều du khách hơn.
Báo cáo của sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2021, Sở Du lịch Đà Nẵng từng bước khôi phục các hoạt động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong bối cảnh thích ứng an toàn. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 1,17 triệu lượt khách, giảm 55,8% so với 2020. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020. Năm 2021, Sở Du lịch triển khai hệ thống giám sát du lịch thông minh, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của ngành. Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch thông qua Cổng thông tin du lịch, ứng dụng DanangFantasticity cũng được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, việc ra mắt ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” là sản phẩm hoàn toàn mới của du lịch Đà Nẵng được dư luận đánh giá cao. |