Hàng loạt nhà chỉ có 1 lối đi
Nhà ở san sát, xuống cấp, hệ thống dây điện chằng chịt, không có lối thoát hiểm... Thậm chí phải tận dụng lòng đường làm nơi sinh hoạt là thực tế đang tồn tại ở rất nhiều khu dân cư hiện nay.
Theo bà Võ Thị Thêm (SN 1958, trú phường Hải Châu 2), nhà thì nhỏ chỉ chừng vài mét vuông nên chỗ nào có khoảng trống thì gia đình tận dụng triệt để. Bởi vậy, lúc trước thiếu hiểu biết, gia đình cũng chủ quan chất cao đồ đạc che khuất đường dây điện, vật dụng tiềm ẩn nguy cơ.
“Việc thắp hương phải có người nhà trông coi, tránh việc thắp hương vòng qua đêm, đặc biệt khi sử dụng nến cần phải được kê trên các đế đỡ không cháy", bà Thêm lý giải.
Nằm sâu trong khu hẻm tổ 13 phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), ngôi nhà của ông Mai Tiến Thanh (SN 1969) chỉ vọn vẹn chừng 30m2 được tận dụng làm nơi sản xuất, làm việc. Tất cả các vật dụng, sản phẩm từ cao su... tìm ẩn nguy cơ cháy rất cao nếu xảy ra sự cố.
Điều đáng lo ngại là ngôi nhà này lại không có lối thoát hiểm thứ 2. Qua kiểm tra, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại cơ sở đã chỉ ra tồn tại, bất cập và yêu cầu khắc phục ngay.
“Từ bây giờ, tôi dọn dẹp sạch sẽ, không lấn chiếm hành lan, trả lại con đường để thoát nạn nếu xảy ra cháy. Tôi nghĩ chủ động phòng cháy chữa cháy không bao giờ là thừa, nhất là tại nơi có đông dân sinh sống cũng như mua bán tập trung”, ông Thanh nói.
Từ phong trào cơ sở
Vừa qua, chỉ trong đêm 24-5, TP Đà Nẵng liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy trong khu dân cư. Do là loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, chứa nhiều chất dễ cháy, nên rất nhanh, toàn bộ tài sản trong căn nhà 2 tầng đều bị thiêu rụi.
Thiếu tá Phạm Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, với mô hình, tất cả hộ dân đều hưởng ứng. Mặc dù có một số hộ dân do điều kiện hoàn cảnh khách quan, cuộc sống mưu sinh vẫn còn khó, nhưng tinh thần vẫn chấp hành tốt yêu cầu của tổ giám sát.
Ông Thái Duy Liền, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư Trung Trạm 2, phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay, trước đây, mô hình này chỉ giới hạn trong cán bộ, công chức, người lao động trong phường. Tuy nhiên, mô hình ngày càng được nhân rộng qua những buổi họp, trao đổi với người dân.
“Chúng tôi tuyên truyền cho người dân ở khu dân cư đề phòng cháy, nếu phát hiện cháy, trước mắt sử dụng bình chữa cháy tự có, sau đó phải hô hoán để mọi người xung quanh đến hỗ trợ”, ông Liền nói.
Từ công tác dân vận khéo, tạo được sự đồng thuận, chung tay của toàn dân, ngày càng có nhiều phong trào tại cơ sở được triển khai đạt kết quả tốt. 9 thành viên trong tổ đã trở thành một tuyên truyền viên, hướng dẫn các hộ xung quanh quan tâm ứng dụng báo cháy 114. Đến nay đã có hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn phường đã cài đặt.
Sau 5 tháng triển khai, người dân đã hình thành thói quen, ý thức phòng cháy chữa cháy tại gia đình và khu dân cư được nâng cao. Đây là một “điểm sáng” trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy.