Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng về kết cấu hạ tầng, chính sách, nguồn nhân lực để phục vụ ngành vi mạch bán dẫn. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB), nhìn nhận, đây là thời điểm mà TP Đà Nẵng cần tạo ra những bước phát triển nhảy vọt với những công nghệ mới, lĩnh vực mới như công nghệ bán dẫn, công nghệ cao, tài chính… ADB đặt sự quan tâm vào khu vực tư nhân, hợp tác công tư để thu hút nguồn lực, hỗ trợ chính quyền TP Đà Nẵng triển khai dự án trong thời gian tới.
Theo ông Yakabe Yoshinori, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, Đà Nẵng là địa phương có tiềm năng lớn với 17 cơ sở giáo dục - đào tạo. Đây là thế mạnh của Đà Nẵng đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn... Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) là then chốt không chỉ trong đào tạo nhân lực mà còn tạo cơ chế hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU), đánh giá, du lịch, công nghệ cao,kinh tế biển là những lựa chọn phù hợp với lợi thế của Đà Nẵng cũng như xu thế phát triển của thế giới.
Với ngành công nghệ cao, EU là nơi có các trung tâm sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… Hiện EU có nhu cầu hợp tác nhiều lĩnh vực, vì vậy Đà Nẵng cần có kế hoạch dài hạn về thúc đẩy hợp tác với EU.
Thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng
* Cùng ngày, TP Đà Nẵng tổ chức công bố quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC).
Theo đó, DSAC là đơn vị trực thuộc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, được hình thành trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức lại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng. DSAC có 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và AI; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI. Trung tâm này cũng liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và AI. Ông Lê Hoàng Phúc được bổ nhiệm làm Giám đốc DSAC.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, chia sẻ, Việt Nam hiện là nước duy nhất trên thế giới có mối quan hệ chiến lược toàn diện với tất cả cường quốc bán dẫn. Trong các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp kiểm tra đóng gói, Việt Nam xác định chiến lược phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp về thiết kế và nhân lực thiết kế. Chế tạo và sản xuất các module là các linh kiện; thu hút FDI liên doanh với doanh nghiệp Việt lắp ráp kiểm tra và đóng gói; xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở phân khúc dưới (là thành phần tạo nên các thiết bị điện thoại thông minh, xe điện…).
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 50.000 kỹ sư thiết kế chip, 200.000 kỹ sư điện tử bán dẫn và 500.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực này. Chiến lược quốc gia dự kiến chọn 5 cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Vì vậy, cần thiết lập trung tâm nghiên cứu chế tạo bán dẫn để cung cấp dịch vụ nghiên cứu, chế tạo, thiết kế vimạch, tích hợp hệ thống cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo các trường.
* Ngày 26-1, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa với Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu và Đại học Duy Tân. Các bên sẽ cùng hợp tác tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn cho TP Đà Nẵng, nhằm tạo sự lan tỏa vàchuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn thời gian tới cho TP Đà Nẵng. Các bên sẽ phối hợp tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế vi mạch bán dẫn tại thành phố; tổ chức chương trình đào tạo sinh viên kỹ thuật trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN, việc ký kết hợp tác là hoạt động quan trọng, từngbước thu hút các đối tác cùng hợp tác, triển khai hoạt động đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn.