Đào tạo theo nhu cầu
Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó Đà Nẵng chiếm tỷ lệ 7%. Đánh giá cao hệ thống các viện, trường đào tạo cũng như đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin của Đà Nẵng, TS Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á cho biết, Synopsys đang có các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho giảng viên các trường đại học và sẵn sàng hợp tác với Đà Nẵng để triển khai.
Bên cạnh đó, đại diện Synopsys cũng đề nghị Đà Nẵng nên tăng tốc mở các trung tâm đào tạo để sinh viên công nghệ thông tin có cơ hội học tập với chuyên gia, thực hành phòng lab.
“Chúng tôi sẵn sàng kết nối để giới thiệu các bên thứ 3 chuyên về đào tạo nguồn nhân lực và chịu trách nhiệm đầu ra trong lĩnh vực này; đảm bảo cung cấp nhân lực chất lượng cho các công ty vi mạch, bán dẫn khi vào Việt Nam”, ông Lâm nói.
Việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là hoạt động quan trọng, diễn ra xuyên suốt. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Chia sẻ về câu chuyện nguồn nhân lực, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, FPT mỗi năm có 6.000 - 7.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Để họ có thể làm việc cho ngành vi mạch bán dẫn, FPT có thể bắt tay cùng các công ty sản xuất chip như Synopsys để đào tạo từ xa trong 6 tháng. Tập đoàn cũng có thể gửi sinh viên sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan làm việc để tạo nguồn nhân lực nhanh chóng. Sau đó, đưa nhân sự này quay về làm việc tại Đà Nẵng.
FPT dự kiến ban đầu là đặt mục tiêu 10.000 người sau có thể 20.000-30.000 người mỗi năm, phục vụ ngành vi mạch bán dẫn. Ngoài việc đào tạo, ông Bình đề xuất TP Đà Nẵng có thể đưa nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về đây tạo điều kiện để họ gắn bó và phát triển, cũng như hợp tác với những công ty lớn.
“Kêu gọi những tập đoàn lớn nhất vào Đà Nẵng như Intel trước đó. Đây là khởi đầu vô cùng quan trọng vì “trâu ăn theo đàn” là tâm lý chung của tập đoàn nước ngoài. Hai từ khóa là xu hướng xây dựng thành phố thông minh trên thế giới: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đà Nẵng sẽ đi theo hướng này để tạo sự khác biệt và xây dựng hình ảnh thành phố thông minh với thế giới”, ông Bình chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho hay, định hướng ngắn hạn (6 tháng - 2 năm), trường sẽ cử giảng viên tham gia các khóa học chuyên sâu để bổ sung vào đội ngũ giảng dạy. Để đáp ứng kịp thời sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu nhân sự của thị trường lao động, trường sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng các khóa đào tạo ngắn hạn, tổ chức thêm nhiều seminar để giới thiệu rộng rãi đến sinh viên ngành công nghiệp bán dẫn; cải tiến các chương trình đào tạo, bổ sung các học phần học Perl, Python, VHDL, Verilog… Dự kiến cung cấp 150-200 kỹ sư hằng năm.
“Năm 2024, trường dự kiến mở mới chuyên ngành Vi điện tử đào tạo kỹ sư “Thiết kế vi mạch”, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2024-2025. Chuyên ngành mới sẽ cung cấp hằng năm 60-100 nhân lực chuyên sâu, có thể thích ứng nhanh sau khi được tuyển dụng. Trường cũng dự định mở các chuyên ngành đào tạo đặc thù kết hợp với doanh nghiệp, có thể thông qua hình thức doanh nghiệp sẽ tài trợ các khoản chi phí và sinh viên sẽ cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp”, PGS.TS Phạm Hồng Hải nói.
Cơ chế giữ chân nhân tài
Để nắm bắt cơ hội có một không hai trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, theo PGS.TS Hà Đắc Bình, Hiệu trưởng Trường công nghệ, Trường Đại học Duy Tân TP Đà Nẵng chủ trì kết nối các đơn vị thiết kế vi mạch bán dẫn hàng đầu ở trong nước và quốc tế cùng các trường Đại học trên địa bàn để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng của kỹ sư thiết kế vi mạch theo từng bậc lĩnh vực chuyên ngành; phương pháp xây dựng giáo trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng kỹ sư sau đào tạo; nhu cầu về kỹ sư của doanh nghiệp; khả năng tham gia của các chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp…
Theo PGS.TS Trần Xuân Tú, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu Đà Nẵng muốn đi nhanh bứt phá thì cần chọn sản phẩm “điểm”, quan tâm mô hình kinh doanh trên thế giới để có sự đầu tư phù hợp, đúng thời điểm. Cần giao hẳn cho Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Tập đoàn FPT hình thành trung tâm hỗ trợ thiết kế vi mạch cho tất cả các trường đại học, doanh nghiệp, startup ở Đà Nẵng. Trong đó, tập trung 3 công cụ vi mạch số (Digital ICs) / Hệ thống trên chip; vi mạch tương tự (Analog) / tín hiệu hỗn hợp (mixed-signal) và FPGA (công nghệ khả trình) làm sao để hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh việc hình thành trung tâm, việc chia sẻ dùng chung giữa các đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp về công cụ thiết kế, thiết bị đo kiểm, phòng thí nghiệm giúp đơn vị có thể tiết kiệm nguồn lực, tối ưu hóa năng lực.
Chia sẻ dữ liệu chung để tối ưu hóa nguồn lực |
Trong khi đó, TS Trịnh Thanh Lâm cho rằng, các quốc gia có nền công nghiệp phát triển đều dành các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này nhằm xây dựng năng lực tự chủ quốc gia. Đà Nẵng nếu muốn phát triển cũng không ngoại lệ, phải có chương trình đào tạo để giữ chân nhân tài. Ông đề xuất việc hợp tác ngân hàng chính sách để tạo động lực trong chương trình đào tạo, khi tốt nghiệp các em sinh viên có thể ra làm việc ở doanh nghiệp, đơn vị đà nẵng để chi trả.
Ông Nguyễn Bảo Anh, Trưởng văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Còn theo ông Nguyễn Bảo Anh, Trưởng văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng, những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới có lực lượng kỹ sư rất giỏi, có thể hỗ trợ thêm cho địa phương về việc phát triển đơn vị, dây chuyền quy mô nhỏ, vừa. TP Đà Nẵng nên tạo điều kiện cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới về địa phương bằng những ưu đãi về thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp… giảm tải gánh nặng khi đơn vị này muốn về địa phương.