Đà Nẵng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn – Bài 3: Trở lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Đa phần các trường đại học hiện chưa có một chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn, chủ yếu là trên cơ sở các ngành liên quan. 
Trong suốt quá trình làm việc đòi hỏi người kỹ sư không ngừng cập nhật công nghệ mới. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Trong suốt quá trình làm việc đòi hỏi người kỹ sư không ngừng cập nhật công nghệ mới. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Vẫn còn sơ khai

TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ TT-TT) nhìn nhận, hiện ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam mới rất “sơ khai”, đang còn rất nhiều thách thức cần phải giải quyết nếu muốn phát triển.

Công nghiệp bán dẫn hiện đang hiện diện ở 3 trung tâm gồm khu vực phía Bắc xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang; khu vực phía Nam có TPHCM và một trung tâm khác là Đà Nẵng. Nhưng, sản xuất công nghiệp bán dẫn chủ yếu trong tay doanh nghiệp FDI, sản xuất ở những công đoạn có giá trị thấp như lắp ráp, đóng gói… Cho đến nay, Việt Nam chưa sản xuất được bất kỳ một vi mạch bán dẫn nào “made in Việt Nam”.

TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ TT-TT) nhìn nhận Đà Nẵng phải có hướng đi khác biệt. Ảnh: XUÂN QUỲNH

TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ TT-TT) nhìn nhận Đà Nẵng phải có hướng đi khác biệt. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn yêu cầu những đặc thù như vốn, đất đai… Với diện tích nhỏ, dân số ít, Đà Nẵng không nên chọn cách tiếp cận như TP HCM, Bắc Ninh là thu hút các công ty nước ngoài thành lập nhà máy sản xuất bán dẫn.

Đà Nẵng cần định hướng trở thành trung tâm thiết kế vi mạch về bán dẫn của khu vực; nơi hấp dẫn của các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào trung tâm thiết kế vi mạch; thu hút đội ngũ chuyên gia nhà khoa học của các nước tiến đến, đặc biệt là Mỹ.

Từ đó, TS. Tuyên đề xuất, Đà Nẵng tập trung vào những thị trường ngách như: Analog, IC; lựa chọn phân khúc và thị trường và công nghệ phù hợp; định hướng hình thành những phòng nghiên cứu, phát triển (R&D) về thiết kế vi mạch…

Để trở thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn toàn cầu, Đà Nẵng phải sẵn sàng, chủ động đón đầu làn sóng các "đại bàng" Mỹ như: Qualcomm, Synopsys, Marvell, Nvidia đến Việt Nam.

"Địa phương phải tìm cách mời gọi các doanh nghiệp trên về Đà Nẵng để xây dựng chương trình đào tạo; đàm phán sử dụng các phần mềm thiết kế vi mạch của họ để nhanh chóng có đội ngũ nhân lực làm được thiết kế vi mạch", TS Tuyên nói.

Chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu

Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Sinh viên theo đuổi ngành vi mạch bán dẫn vẫn còn khá ít. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Sinh viên theo đuổi ngành vi mạch bán dẫn vẫn còn khá ít. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Riêng tại TP Đà Nẵng, theo PGS.TS Hà Đắc Bình, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Trường Đại học Duy Tân, hơn 10 năm qua, số lượng tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch này là khá ít, trung bình chưa đến 20 sinh viên/khóa. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp vi mạch đành phải tuyển dụng các kỹ sư của các ngành liên quan để đào tạo lại cho bên vi mạch.

Mặc dù mức lương của các kỹ sư vi mạch này cao hơn so với các ngành khác của lĩnh vực Điện - Điện tử - Tự động hóa nhưng sinh viên ít lựa chọn theo đuổi ngành này. Một trong nguyên nhân vẫn do đây là lĩnh vực khá mới mẻ, ít thông tin, ít doanh nghiệp tuyển dụng ở các địa phương trừ Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Đây là ngành học khó, nó đòi hỏi người học có nền tảng về STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics).

Ngoài ra, yêu cầu về tiếng Anh cao cũng như áp lực công việc lớn vì phần lớn phải làm việc cho các dự án nước ngoài. Trong suốt quá trình làm việc đòi hỏi người kỹ sư không ngừng cập nhật công nghệ mới để thiết kế ra các vi mạch đáp ứng yêu cầu của các ứng dụng mà khách hàng đưa ra.

Tỷ lệ % sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn vẫn chiếm số ít

Tỷ lệ % sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn vẫn chiếm số ít

Nhìn nhận thực tế những năm đào tạo sinh viên theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, việc xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên sâu, có kinh nghiệm về lĩnh vực vi mạch còn hạn chế; chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Hầu hết cơ sở vật chất của trường phục vụ cho lĩnh vực vi mạch cần nhờ sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, tập đoàn.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ đến nay chỉ chiếm phần nhỏ, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu hiện có. Đặc biệt, chi phí đào tạo chuyên ngành này cao hơn nhiều so với các chuyên ngành khác trong lĩnh vực Điện - Điện tử - Tự động hóa do cần có các phần cứng và phần mềm chuyên dụng giá cả khá đắt đỏ.

Đồng ý kiến, ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Marvell Việt Nam nhìn nhận, nguồn nhân lực Đà Nẵng phần lớn đáp ứng yêu cầu cơ bản. Tuy nhiên, về ngành nghề chuyên sâu thì vẫn chưa có sự rõ nét. “Đơn vị kết nối cơ sở đào tạo mở rộng chương trình thực tập của sinh viên từ 3-9 tháng để làm sao các em vừa ra trường có thể đáp ứng thị trường ngay lập tức”, ông Đạm nói.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong khi đó, theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đà Nẵng có đề án đưa nhân tài ra nước ngoài đào tạo với chi phí khá lớn. Có một thực trạng, tỷ lệ sinh viên đi học ở nước ngoài quay trở về cống hiến cho địa phương chỉ chiếm số nhỏ. Đó là chưa kể nguồn nhân lực được đào tạo bài bản Đà Nẵng cũng có xu hướng chuyển dịch đến TPHCM, Hà Nội để làm việc.

Tin cùng chuyên mục