Lợi thế đặc biệt
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, theo thống kê, Đà Nẵng có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Tại địa phương, hiện có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng (chiếm tỷ lệ 80%), Đại học Duy Tân, Đại học CNTT-TT Việt Hàn,…
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu đề dẫn. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Bên cạnh đó, hạ tầng các khu công nghiệp, công nghệ cao, CNTT đảm bảo sẵn sàng phục vụ các tập đoàn, doanh nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn. Đà Nẵng hiện có 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất và 3 khu CNTT, công viên phần mềm đang hoạt động. Đà Nẵng đã triển khai đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2, hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác…
Nhìn nhận Đà Nẵng là địa phương có tiềm năng lớn, PGS.TS. Trần Xuân Tú, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, vị trí của Đà Nẵng cực kỳ thuận lợi nếu xét về giao thương quốc tế. Là một thành phố có vị trí địa lý dễ dàng tiếp cận với các thị trường trong khu vực và trên thế giới; dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn thế giới; là cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Đây là một lợi thế đặc biệt, riêng có của Đà Nẵng.
Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất nhờ khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa chính trị thuận lợi. “Việt Nam đứng cạnh Trung Quốc là một lợi thế. Trong khi đó, sự nâng cấp của mối quan hệ Việt - Mỹ giúp thúc đẩy lĩnh vực vi mạch phát triển đi vào chiều sâu.”
Sinh viên trao đổi với ông Nguyễn Bảo Anh bên lề hội thảo của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo ông Nguyễn Bảo Anh, Trưởng văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi đó, các đơn vị lớn như Synopsys, Marvell… thành công ở Việt Nam. Điều đó dẫn đến nhiều mối quan tâm về việc phát triển vi mạch bán dẫn hơn đều hướng về Việt Nam. “Nhiều kỹ sư thế giới muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam, tình hình Đà Nẵng về chính trị, nguồn lực đào tạo, đãi ngộ,…”, ông Anh chia sẻ.
Nhân lực trẻ, có tư duy
Đề cập về nhân lực để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp và hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên. Các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn đã sớm đón đầu thông qua hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có gần 30 môn học từ công nghệ đến thiết kế vi mạch, bán dẫn được triển khai thuộc các khoa: Điện tử Viễn thông, CNTT, Khoa học công nghệ và tiên tiến,... Trường Đại học CNTT-TT Việt Hàn có nhiều ngành đào tạo có các khối kiến thức liên quan đến Công nghệ vi mạch như Công nghệ kỹ thuật máy tính, Hệ thống nhúng và IoT, CNTT... Dự kiến chuẩn bị công bố Chương trình đào tạo công nghệ vi mạch trong Quý IV-2023…
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, các trường có nhiều hợp tác với doanh nghiệp là một lợi thế. Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có mối liên hệ chặt chẽ với các công ty thiết kế vi mạch có văn phòng đặt tại miền Trung như Renesas, Synopsys, Synapse (Quest), Uniqify, Savarti. Hằng năm, trường đều phối hợp với các công ty đồng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp dưới dạng Capstone Project. Phần lớn các công ty này cũng chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ trường, với tỷ lệ tuyển dụng trên 90%. Số lượng kỹ sư là cựu sinh viên của trường làm việc trong các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực vi mạch có chi nhánh tại Đà Nẵng chiếm tỷ lệ khá cao trong hầu hết các doanh nghiệp. Số lượng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới do phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ trường là rất tốt.
Việc hợp tác doanh nghiệp là lợi thế đầu ra cho các trường đại học |
Còn ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, cho biết, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Lãnh đạo TP Đà Nẵng có chủ trương phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là động lực tăng trưởng mới. Đà Nẵng có nhiều ưu điểm để phát triển công nghệ bán dẫn như khu Công nghệ cao với diện tích 5 - 100ha cho nhà đầu tư; không gian 300ha cho nghiên cứu phát triển và đào tạo; nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới cho vay… Với những điều kiện có sẵn, chính quyền thành phố có thể thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng để trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng bằng cách làm trọn vẹn quy trình: thiết kế, sản xuất, đóng gói, kinh doanh...
Tiến sĩ Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á cho biết, TP Đà Nẵng luôn quan tâm, có chính sách khuyến khích phát triển công nghệ thông tin, ươm tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong phát triển chip; các trường đại học chuyên đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng đang được đầu tư xây dựng với quy mô lớn hướng đến phát triển công nghệ thông tin.