Quyết tâm làm giàu từ nuôi cá dịch vụ
Tại trang trại của ông Trần Hồng Quảng (SN 1968, trú thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), vào những ngày cuối tuần, du khách thường tụ tập đến đây trải nghiệm thú vui câu cá, chụp ảnh lưu niệm và liên hoan trước khung cảnh đồi núi hoang sơ.
Các bờ hồ cá được xây gạch kiên cố, chung quanh có lối đi bằng phẳng. Cách một đoạn, lại đặt sẵn vài chiếc ghế tựa phục vụ khách ngồi câu cá. Trong hồ nuôi nhiều loại cá như ba sa, diêu hồng, chép, trôi, mè, rô phi, trắm cỏ.... Giá dịch vụ mỗi lần du lịch trải nghiệm nơi đây là 20.000 đồng/người. Du khách có thể mua cá mình câu được theo nhu cầu với giá từ 50.000-110.000 đồng/kg tùy từng loại cá. Cạnh đó, có một nơi gọi là khu vực bếp để chế biến, phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức tại quán.
Đầu năm 2020, ông Quảng đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hai hồ cá lớn phục vụ du lịch trải nghiệm và kinh doanh ẩm thực phục vụ du khách. Không những thế ông Quảng đã xây dựng hệ thống lưu chuyển nước ra vào hồ cá thường xuyên và điều chỉnh mực nước trong các hồ từ 1,5-1,8 m.
Đề cập đến ý tưởng vừa nuôi cá truyền thống kết hợp phục vụ du lịch trải nghiệm, ông Trần Hồng Quảng cho hay, trước đây ông chỉ nuôi cá thương phẩm, qua những người đi câu, ông cũng học hỏi được kinh nghiệm, rồi mới nảy ra ý nghĩ làm dịch vụ.
Sau khi có ý định làm dịch vụ, ông Quảng tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục phục vụ khách tham quan như lắp đặt nhà chòi, bàn ghế đá trên bờ hồ để du khách vừa câu cá, vừa thưởng thức cà phê, trái cây và các đặc sản địa phương.
Mặc dù thu nhập khả quan, theo ông Quảng, nếu muốn kinh doanh lâu dài, ông hy vọng, một vài người nông dân trong vùng có thể mạnh dạn chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng cá nước ngọt theo hướng an toàn sinh học.
“Mình làm đơn lẻ thì nó lại không có cạnh tranh, nhưng nếu làm cá nhân thì lại thiếu sự thu hút vùng, rất khó phát triển lâu dài. Nếu có vài người cũng làm dịch vụ như mình thì du khách sẽ tập trung về đây nhiều hơn”, ông Quảng giải thích.
Tạo thương hiệu vùng miền
Hòa Khương là vùng nuôi cá chủ lực của huyện Hòa Vang với 14ha diện tích ao hồ, chủ yếu là nuôi cá thương phẩm. Nơi đây hiếm khi bị lũ lụt và có nguồn nước ngọt từ hồ Đồng Nghệ, thuận lợi cho việc nuôi cá. Nguồn thức ăn cho cá rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, cám, bột các loại nên chi phí đầu tư thấp; ngày cho ăn 1-2 lần nên không mất nhiều thời gian. Nhận thấy tín hiệu khả quan từ mô hình du lịch trải nghiệm, chính quyền địa phương đã định hướng cho nhiều hộ dân chuyển đổi. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật, con giống, xây dựng kế hoạch dài hạn để phát triển.
“Họ dùng những cử chỉ, lời nói để giới thiệu về những loại cá trong hồ, giới thiệu khách về những đặc sản địa phương. Chính người bản địa làm du lịch sẽ lợi thế hơn người nơi khác bởi chỉ có họ mới hiểu nhất từ đường đi nước bước cũng như lịch sử, văn hóa. Khi đến đây, người địa phương có thể thổi hồn cho khách biết đến kỹ càng hơn về quê hương”, ông Trí nhìn nhận.
“Chúng tôi sẽ chọn ra những địa điểm nào sẽ phát triển du lịch cộng đồng, khảo sát nhu cầu người dân, trưng dụng vài ý kiến của nhà đầu tư về du lịch, công ty lữ hành nên làm gì ở khu này với những đặc điểm sẵn có, làm sao để người dân làm du lịch vẫn giữ lại bản sắc văn hóa của người địa phương. Đối với những địa điểm này, trước hết chúng ta cứ tập trung phát triển khách cuối tuần là người dân TP Đà Nẵng. Nếu muốn phát triển lớn, sở sẽ mời một đến hai công ty lữ hành kết hợp với người dân địa phương cải tạo, phát triển “điểm” du lịch ở đây”, ông Vương đề xuất.
Cùng với các xã Hòa Bắc, xã Hòa Phú, xã Hòa Khương cũng là một trong 3 địa phương thuộc huyện Hòa Vang nằm trong đề án kết nối, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Từ đó, góp phần cải thiện đời sống khu vực nông thôn và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng.