Mạng lưới thầy thuốc đồng hành
Những ngày này, từ mạng lưới thầy thuốc đồng hành, các bác sĩ thuộc Hội thầy thuốc trẻ TP Đà Nẵng đang lần lượt tư vấn trực tuyến cho nhiều bệnh nhân Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà cách theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Tiếp nhận thông tin từ ngành y tế Đà Nẵng, họ chủ động gọi điện thoại, tư vấn và sàng lọc F0 thành 5 mức độ để hỗ trợ bệnh nhân kịp thời.
Bác sĩ Đặng Anh Đào, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP Đà Nẵng cho biết, khi một người bệnh gọi đến, mạng lưới sẽ hỗ trợ nhập dữ liệu thông tin cho y tế địa phương để các bác sĩ thành viên cũng như các tình nguyện viên quản lý và theo dõi bệnh nhân hằng ngày. Tiếp đó, nhóm sẽ phân tầng bệnh nhân qua những nguy cơ, tình trạng mà họ mắc phải.
“Trường hợp nào nguy cơ thấp, chúng tôi cử tình nguyện viên theo dõi sức khỏe hàng ngày. Đối với những trường hợp nguy cơ cao, chúng tôi sẽ có những khuyến nghị, như là chuyển tuyến điều trị hoặc có thể phải điều chỉnh những vấn đề khác”, bác sĩ Đào cho hay.
Mạng lưới thầy thuốc đồng hành được thành lập gồm 140 bác sĩ, 30 tình nguyện viên tham gia chia thành 10 nhóm tại 7/7 quận, huyện, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế. Thành viên là các bác sĩ, nhân viên y tế thuộc Hội Thầy thuốc trẻ thành phố, Trung tâm Y tế, tình nguyện viên đã qua tuyển chọn và đào tạo.
Ứng dụng CNTT
Mới đây, Sở TT-TT Đà Nẵng cho biết, theo thống nhất với Sở Y tế, Hội thầy thuốc trẻ TP và Mạng lưới thầy thuốc đồng hành Việt Nam, từ ngày 15-3, TP Đà Nẵng mở rộng kênh F0 chủ động gọi bác sĩ để yêu cầu tư vấn.
Khi người dân gọi đến đầu số (0236) 393 1022 sẽ gặp được các bác sĩ, nhân viên y tế (do Sở Y tế huy động) và được tư vấn, hỗ trợ. Các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ trực, nhận cuộc gọi từ 7 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút các ngày trong tuần.
Khi gọi đến tổng đài, người dân nghe lời thoại tự động với các nhánh tương ứng: chọn nhánh 1 để được tư vấn chung, nhánh 2 chuyên khoa Nhi, nhánh 3 chuyên khoa Sản và nhánh 4 chuyên khoa Tâm thần. Cước cuộc gọi được tính theo cước viễn thông gọi đến số điện thoại cố định bình thường. Trường hợp tất cả bác sĩ, nhân viên y tế trong nhánh đều bận, cuộc gọi tự động đổ về nhân viên Tổng đài 1022 trực dự phòng để ghi nhận thông tin hỗ trợ sau.
Bên cạnh đó, một số trạm y tế phường đã triển khai hỗ trợ F0 trên nền tảng điện thoại thông minh. Bằng cách lập ra vài nhóm zalo, bác sĩ sẽ hỗ trợ giải đáp các thắc mắc liên quan đến triệu chứng cũng như cách xử lý, lịch test nhanh của từng bệnh nhân.... Mỗi nhóm zalo do 1 một bác sĩ phụ trách quản lý vài tổ dân phố có ca mắc Covid-19. Các F0 này sẽ được cấp một link để tham gia vào nhóm zalo ngay khi họ khai báo tại trạm y tế phường.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các địa phương cần truyền thông mạnh mẽ về lợi ích để người dân chủ động khai báo y tế khi phát hiện mắc Covid-19, đặc biệt là những trường hợp có bệnh nền, chưa tiêm vaccine và người già, tránh trường hợp bị bệnh nặng mới khai báo y tế, gây ra khó khăn trong công tác chuyển viện.
Sở Y tế cần vận dụng và cân nhắc việc xác nhận F0 thông qua nhân viên y tế hoặc người dân lấy mẫu qua giám sát của nhân viên y tế để tránh tình trạng nhân viên y tế phải làm trực tiếp quá nhiều. Đối với các F0 điều trị tại nhà, Sở Y tế phân công nhiệm vụ rõ ràng cho mạng lưới thầy thuốc đồng hành, nhân viên y tế và trạm y tế các phường, xã để tránh trùng lặp các phần việc.
“Nhân lực y tế đang gặp khó khăn nên phải sử dụng một cách tối ưu hóa. Sở Y tế quán triệt các bệnh viện nếu không tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng phải hỗ trợ nhân lực hồi sức cho bệnh viện dã chiến. Vấn đề sống còn hiện nay là công tác điều trị F0 tại nhà và tại cơ sở y tế”, bà Yến nói.