Đà Nẵng “nhìn lại” những ngày đầu kháng Pháp sau 160 năm

Ngày 31-8, UBND TP Đà Nẵng, Sở VH-TT, Bảo tàng Đà Nẵng và Hội khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khoa học “Đà Nẵng chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860): Quá khứ và hiện tại”.
Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Đà Nẵng chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860): Quá khứ và hiện tại”
Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Đà Nẵng chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860): Quá khứ và hiện tại”

Đây là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 160 năm Ngày nhân dân Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược (1-9-1858_1-9-2018).

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế
Qua 36 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước,... tập trung làm sáng tỏ 2 nhóm nội dung chính:
- Các nghiên cứu mới, liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp tại Đà Nẵng (1858 - 1860) và giải pháp bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử liên quan chiến cuộc kháng chiến chống Pháp tại Đà Nẵng (1858 - 1860)
- Một số kinh nghiệm quy hoạch, thiết kế đô thị và quản lý đô thị của người Pháp tại Đà Nẵng (1888 - 1945).
Qua đó, đề cập một số vấn đề về vị thế địa văn hóa; vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Đà Nẵng nửa sau thế kỷ XIX, đánh giá vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Đà Nẵng hiện nay. 
 
Đà Nẵng “nhìn lại” những ngày đầu kháng Pháp sau 160 năm ảnh 2 Đà Nẵng là nơi đầu tiên đánh liên quân Pháp - Tây Ban Nha
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Hội thảo lần này được tổ chức với mong muốn góp phần làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn tới cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của liên quan Pháp - Tây Ban Nha; về những diễn biến của cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858; về vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong công tác phòng thủ và bảo vệ đất nước; về những anh hùng, nghĩa sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc,... để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm quý báu từ lịch sử để vận dụng vào trong tình hình mới của đất nước và TP Đà Nẵng. 
 
Đà Nẵng “nhìn lại” những ngày đầu kháng Pháp sau 160 năm ảnh 3 Bản đồ chiến thuật do liên quân Pháp - Tây Ban Nha vẽ khi đánh vào Đà Nẵng và khu mộ chôn lính Pháp - Tây Ban Nha tử trận khi đánh vào Đà Nẵng 
“Không phải ngẫu nhiên mà trước đó thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên nổ súng xâm lược, hay sau này Đế quốc Mỹ tiếp tục chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên đổ quân xâm lược Việt Nam. Đà Nẵng luôn mang trong mình một lợi thế đặc biệt quan trọng về vị trí địa chính trị, địa kinh tế. Không chỉ là nằm ở vị trí trung tâm của cả nước, Đà Nẵng còn được xem là trạm trung chuyển trên con đường thương mại từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, là cửa ngõ để tiến vào khu vực Đông Nam Á lục địa và là vị trí then chốt cuối cùng của Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Nói như vậy để có thể hiểu được những giá trị đáng trân quý của lịch sử và tầm quan trọng về vị trí chiến lược của Đà Nẵng trong xu thế phát triển chung của đất nước và thời đại” - ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh. 
Đà Nẵng “nhìn lại” những ngày đầu kháng Pháp sau 160 năm ảnh 4 Thành Điện Hải gắn liền với cuộc kháng liên quân Pháp - Tây Ban Nha của quân và dân Đà Nẵng
Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Giảng viên Đại học Maine, Hoa Kỳ), một chuyên gia nghiên cứu sâu về quan hệ quốc tế, cho rằng: “Lý do chính thức của chính phủ Pháp và Tây Ban Nha trong việc hợp tác đánh vào Cửa Hàn là vì năm 1857, vua Tự Đức đã xử tử hai vị truyền giáo đạo Thiên Chúa người Tây Ban Nha. Tháng 11-1957 Đại đế Napoleon III ra lệnh cho Đô đốc Rinault de Genouilly đánh Việt Nam để dạy cho triều đình Huế một bài học. Đánh vào Cửa Hàn là vì vịnh ở đây có nước sâu rất thuận lợi cho tàu chiến tiến sát bờ cũng như có thể cắm neo lâu ngày. Thêm vào đó, vị trí gần Huế cũng tiện lợn cho việc dọa nạt triều đình Huế phải mau chóng đồng ý với đòi hỏi được tự do truyền bá đạo Thiên Chúa”. 
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Sơn Phương (Thư ký Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu) phản biện rằng: “Lâu nay người ta lầm tưởng việc quân Pháp chủ trương đánh chiếm Đà Nẵng là để làm bàn đạp tiến đánh kinh thành Huế. Chính viên Tổng tư lệnh Rinault de Genouilly, Tổng chỉ huy chiến dịch Đà Nẵng của Pháp nói rằng thủy quân của ông không thể hành quân đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế được (...) vì hải quân không thể mang vác đi bộ hơn 100km, lại phải qua cái đèo cao và dài nhất nước ta là đèo Hải Vân, trong khi từ biển Thuận An lên kinh thành Huế chưa tới 15km”. 
Từ đó, Tiến sĩ Lê Sơn Phương cho rằng, thực dân Pháp chủ trương đánh chiếm Đà Nẵng với mưu đồ lớn hơn, có ý nghĩa chiến lược bao quát hơn, để tiến tới xây dựng Đà Nẵng trở thành căn cứ quân sự hùng mạnh, thành một bàn đạp lý tưởng, nhằm giành lấy toàn bộ khu vực thuộc địa rộng lớn gồm cả khu vực Đông Nam Á, tạo thế đối sánh với thực dân Anh đã khống chế Đông Bắc Á bằng cách chiếm Hồng Kông trước đó 8 năm...
Trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, Thành Điện Hải được xem là biểu tượng mà theo các nhà nghiên cứu gọi là “cuộc chiến dưới chân thành Điện Hải”. Chính vì thế, cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 chủ yếu từ góc độ hiện đại, di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu... 

Những ngày tháng 9 cách đây 160 năm, tiếng súng đại bác trên 16 chiến hạm của đội quân viễn chinh phương Tây đã nổ trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh thực dân xâm lược và đô hộ Việt Nam. Cũng từ đây, lịch sử đã trao cho Đà Nẵng một sứ mệnh và thử thách thật lớn lao đó là thay mặt nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước chống lại liên quân Pháp – Tây Ban Nha trong những đợt tấn công vào những năm 1858-1860.

Đứng trước sứ mệnh đó, quân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy lần lượt của các danh tướng Đào Trí, Lê Đình Lý... và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đã cầm chân và gây thiệt hại cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong những trận “chạm trán”; làm cho âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của quân đội viễn chinh Pháp đã bị chôn vùi ngay tại mảnh đất này. Với sự chiến đấu dũng cảm của quân dân Đà Nẵng, sự đồng tâm ủng hộ của nhân dân cả nước, quân xâm lược Pháp bị chặn đứng tại đây.

Dù 160 năm đã trôi qua, nhưng hào khí những ngày đầu kháng Pháp vẫn luôn là trang sử vàng của dân tộc và cuộc chiến đấu “dưới chân thành Điện Hải” mãi là niềm tự hào của quân dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Tin cùng chuyên mục