Ngày 7-7, trong phiên thảo luận chung thuộc Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, các đại biểu đã đề cập đến những vướng mắc, bất cập, giải pháp trong việc thi hành án liên quan đến dự án Đa Phước, sân vận động Chi Lăng và gói ủy thác 250 tỷ đồng hỗ trợ người dân nợ tiền đất tái định cư khó có khả năng chi trả.
Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản khi thi hành án tại Đa Phước
Đại biểu Trần Tuấn Lợi cho rằng với phán quyết thu hồi khu đất 29ha thuộc dự án Đa Phước mà TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên khiến cho các nhà đầu tư, mua nhà tại đây lo lắng.
Hiện đang có hàng trăm người dân sống hợp pháp tại dự án này Với phán quyết này sẽ gây bất ổn về an ninh trật tự do hiện nay đang có hàng trăm hộ dân sinh sống hợp pháp tại dự án này. Cùng với đó, việc thu hồi toàn bộ quyền sử dụng đất của dự án có thể khiến các khoản vay ngân hàng bằng việc thế chấp quyền sử dụng khu đất 29ha của ở dự án Đa Phước trở thành nợ xấu. Hệ quả có thể gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước vì ngân hàng Vietcombank có phần lớn vốn sở hữu của nhà nước.
Ông Lợi cho rằng, nhiều đối tác của dự án Đa Phước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng chục công trình xây dựng xong phần thô. Khi thu hồi, toàn bộ số tiền đầu tư sẽ mất và dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản. Nên các cơ quan thẩm quyền cần tháo gỡ vấn đề này để đảm bảo phán quyết được thực thi mà quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và người dân tại dự án được đảm bảo.
Nhiều công trình cao từ 18 đến 25 tầng đã xây dựng xong phần thô tại Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước Phát biểu giải trình, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục THADS TP Đà Nẵng, cho hay đơn vị vẫn chưa nhận được ủy thác thi hành án. Cục THADS TP Hà Nội dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đối với dự án Đa Phước ủy thác cho Cục THADS TP Đà Nẵng tổ chức thi hành. Hiện tại chưa có nên chưa biết khó khăn, vướng mắc thế nào, do đó chưa báo cáo được.
Về sân vận động Chi Lăng, ông Trần Phước Thu cho hay, vụ án này do Cục THADS TPHCM và Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi ủy thác để thu hồi gần 4.132 tỷ đồng. Đây là số tiền gốc, tính đến thời điểm hiện tại thêm 4.000 tỷ đồng tiền lãi thì đảm bảo việc thi hành án.
Ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục THADS TP Đà Nẵng Sau khi Cục THADS TP Đà Nẵng nhận được bản án của TAND TPHCM đối với Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, lãnh đạo Cục thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã báo cáo Thường trực Thành ủy và các lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng. Cục THADS TP Đà Nẵng đã có những văn bản với các cơ quan ban, ngành hỗ trợ xác minh điều kiện thi hành với khu phức hợp tại SVĐ Chi Lăng.
Bên cạnh đó, mục đích khu phức hợp sân vận động Chi Lăng là để thực hiện đầu tư, nếu dự án này xé lẻ ra thì sẽ phá vỡ quy hoạch TP Đà Nẵng.
Trong giai đoạn thi hành án, UBND TP Đà Nẵng, Ban chỉ đạo thi hành án đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ với nguyện vọng của người dân muốn giữ lại sân Chi Lăng. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã giao lại Bộ Tư pháp và Bộ cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc.
Nguyện vọng của người dân Đà Nẵng là được giữ lại sân vận động Chi Lăng Cục THADS TP Đà Nẵng xét thực hiện theo thẩm quyền của mình đề nghị giám đốc thẩm lại bản án đối với bản án liên quan đến sân vận động Chi Lăng vì thực tế, qua kiểm tra các đoàn thấy không thể thi hành được. Tháng 7-2019, Cục THADS Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao. Hiện Viện KSND Tối cao đã có phản hồi, còn TAND Tối cao đang nghiên cứu.
Mở gói 250 tỷ đồng giúp dân nghèo trả nợ tiền đất tái định cư
Đại biểu Lê Xuân Hòa cho biết, thực hiện Nghị định 79/2019/NĐ-CP về sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, TP Đà Nẵng đã quyết liệt thực hiện ngay sau khi có hiệu lực, nhưng đến nay, tiến độ rất đáng quan ngại. Đến nay hạn trả nợ theo Nghị định 79 đang đến gần mà nhiều người dân nợ tiền đất tái định cư vẫn không có khả năng chi trả.
Đại biểu Lê Xuân Hòa phát biểu tại buổi thảo luận Từ đó, ông Hòa đề nghị TP thành lập tổ chỉ đạo thực hiện Nghị định nhằm tháo gỡ vướng mắc trên trước thời hạn thu nợ sẽ kết thúc vào ngày 1-3-2021. Có những hộ nợ 100-200 triệu đồng nhưng không có tiền trả thì sau này vài tỷ đồng thì họ không bao giờ có tiền nộp.
Theo đó, đề nghị HĐND TP căn cứ tờ trình của UBND TP, tại kỳ họp này, HĐND TP có nghị quyết chấp thuận chuyển ủy thác 250 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân.
TP Đà Nẵng vẫn còn nhiều hộ dân không đủ khả năng trả tiền nợ đất theo Nghị định 79 Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thông tin, UBND TP đã có tờ trình 4348 gửi HĐND TP để giải quyết vướng mắc việc thực hiện nghị định 79. Trong đó, có nội dung ủy thác 200 tỷ đồng để người dân có điều kiện vay và kịp trả nợ tiền đất tái định cư trước ngày 28-2-2021. Theo chính sách giải tỏa, hiện nay không có việc ghi nợ như trước đây, do đó, TP cũng tạo điều kiện cho nhân dân và bố trí 50 tỷ đồng để các hộ mới giải tỏa có thể tiếp cận.
Phát biểu tại nghị trường, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trách nhiệm của TP là sẽ làm việc với Ngân hàng CSXH Trung ương và đã có sự thống nhất. Sau khi HĐND TP thông qua về việc ủy thác gói hỗ trợ, UBND TP sẽ đề nghị Ngân hàng CSXH Trung ương bổ sung đối tượng. Thứ 2, việc cho vay phải chặt chẽ, đảm bảo người dân được vay đúng đối tượng. TP cũng đã báo cáo Chính phủ xin giãn việc thực hiện Nghị định 79 thêm 1 năm để người dân có điều kiện trả nợ.
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất đưa nội dung này vào nghị quyết và sẽ biểu quyết thông qua. Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP sớm triển khai thực hiện và thông báo cho người dân được biết để tiếp cận.
NGUYỄN CƯỜNG