Nhà ở là vấn đề bức thiết của công nhân
Chị Phạm Thị Tường Vi, người lao động Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng phản ánh, khi Công ty địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước xây dựng và mở bán khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, rất nhiều người lao động đã đăng ký mua. Tuy nhiên, hiện một số người lao động mà chủ yếu là người lao động Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng đã mua nhà ở chung cư xã hội Khu E3, E4 thuộc dự án này gần 3 năm nhưng vẫn chưa nhận được nhà. Việc giao nhà chậm trễ khiến nhiều người lao động bức xúc và gặp khó về kinh tế, chỗ ở. Họ vừa trả tiền vay ngân hàng, vừa trả tiền thuê nhà trọ trong mấy năm qua.
Chị Phạm Thị Tường Vi, người lao động Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng phản ánh. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo chị Nguyễn Thị Xuân Ẩn, người lao động Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, diện tích 1 căn hộ là quá nhỏ, khó đảm bảo cho 1 gia đình gồm 3 người lao động sinh hoạt.
Còn theo chị Hoàng Thị Thanh Hải, người lao động Công ty TNHH Hoàng Bảo Anh, theo quy định, đối tượng được tiếp cận, bố trí vào ở nhà ở xã hội chỉ giới hạn là công nhân làm việc tại KCN. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người lao động ở khu vực khác như người hoạt động không chuyên trách cấp xã, viên chức (nhất là giáo viên), người lao động ở các doanh nghiệp ngoài KCN khá nhiều. Vì vậy, chị Hải đề nghị có giải pháp mở rộng đối tượng nhà ở công nhân.
Hơn 200 công nhân, người lao động đã kiến nghị nhiều vấn đề “nóng”. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Trình Chính phủ chuyển ký túc xá phía Tây thành nhà ở xã hội
Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, khi nhận được đơn kiến nghị của nhiều công nhân về dự án nhà ở xã hội do Công ty địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, Sở Xây dựng đã liên hệ với chủ đầu tư.
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
“Mặc dù rất thông cảm về dịch Covid-19, biến động giá cả, vốn… nhưng sở vẫn quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư tiếp xúc với từng người mua. Đến nay, doanh nghiệp đã mời làm việc 157 trường hợp, đồng thời cam kết đến 31-8-2023 sẽ bàn giao nhà. Trường hợp đến thời hạn, chủ đầu tư không giao nhà cho công nhân thì phải hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân”, ông Hoàng nói.
Đề cập đến nhà ở xã hội KCN Hòa Cầm, diện tích khá nhỏ chỉ 16m2. Vừa rồi Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng - chủ đầu tư KCN Hòa Cầm đề nghị cải tạo 2 block từ tầng 2 đến tầng 5, lắp đặt thêm thang máy.... Kinh phí dự kiến 15,8 tỷ đồng. Ngày 15-4-2023, đã có phiếu chuyển Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng để tham mưu UBND TP Đà Nẵng bố trí và phân bổ vốn phù hợp.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Đà Nẵng nắm sơ bộ có 70.000 công nhân trong các KCN. Trong đó, 40% công nhân phải thuê nhà ở. Như vậy, Đà Nẵng cần đến 28.000 nhà ở để phục vụ nhu cầu công nhân.
"Quyết tâm nhưng con số còn rất nhỏ, do vậy công nhân phải thuê chỗ ở rất nhiều. Chi phí nhà ở đã đến 20%, là gánh nặng cho công nhân. Đà Nẵng hiện đang trình Chính phủ chuyển công năng của ký túc xá phía Tây thành nhà ở xã hội cho công nhân để giải quyết một phần nhu cầu", bà Ngô Thị Kim Yến cho biết.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tại hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho hay, HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 77 thông qua điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030. Vấn đề hiện tại là dành nguồn lực và đề xuất chính sách hợp lý, phù hợp với nhu cầu của công nhân để giải quyết chuyện nhà ở xã hội. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân tích hợp vào chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP Đà Nẵng. Trước mắt, nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm mở rộng diện tích phòng cho thuê để giải quyết chỗ ở hợp lý cho công nhân.
“Nhu cầu nhà ở xã hội nhiều như thế nhưng nắm bắt một cách thực chất, chi tiết, chúng ta làm vẫn chưa tốt. Các dự án nhà ở xã hội thì bán không hết. Hoặc có nhu cầu nhưng điều kiện để người lao động, công nhân đáp ứng là quá cao. Nhà ở công nhân cho thuê 300.000-400.000 đồng thì mới là nhu cầu, chứ nâng lên 700.000-800.000 đồng thì không còn là nhu cầu nữa. Chính sách như vậy thì không hợp lý, hợp tình”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhìn nhận.