Nhiều triển vọng phát triển cho ngành logistics
Nằm ở trung điểm của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, Đà Nẵng hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố quan trọng về hạ tầng cơ sở để đầu tư phát triển ngành logistics.
Ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, TP sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. TP sẽ phát triển các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác có vai trò hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung, đồng thời thu gom phân phối hàng hóa phục vụ TP và các tỉnh lân cận, quy mô đến năm 2030 đạt 26ha, đến năm 2045 đạt 68ha. Các trung tâm logistics được bố trí theo thực tế nhu cầu và điều kiện quỹ đất của thành phố tại các địa điểm thuận tiện giao thông và gần các đầu mối sản xuất tiêu thụ hàng hóa…
Trong tương lai, TP Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần và đủ thúc đẩy dịch vụ kho bãi container hỗ trợ vận tải biển và vận tải đường bộ, đường thủy, tạo sức lan tỏa cho toàn khu vực, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung.
Đề cập năng lực hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng từ năm 2021-2030, theo ông Nguyễn Đăng Minh, đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, hiện Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có thể đón tàu bay thân rộng với tầm bay xa theo tiêu chuẩn quốc tế. Với 2 nhà ga hành khách và nhà ga hàng hóa, công suất phục vụ 15 triệu lượt khách/năm và 18.000 tấn hàng hóa/năm. Trước dịch Covid-19, năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có 39 đường bay quốc tế và 13 đường bay nội địa.
Thời gian tới, ACV sẽ khai thác hiệu quả sân bay cũng như tiếp tục tập trung đầu tư phát triển một số dự án quan trọng như: nhà ga hàng hóa với công suất 100.000 tấn/năm và có khả năng mở rộng lên 150.000 tấn/năm, diện tích sử dụng đất 2,68ha. Dự kiến khởi công vào năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024, đạt mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm logistics hàng không chuyên dụng tại Việt Nam. Nhà ga hành khách T3 với công suất 15 triệu hành khách/năm, dự kiến khởi công trong giai đoạn 2025 - 2030.
Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những Cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, một trong những sân bay và điểm đến hấp dẫn của khu vực châu Á.
Điểm đến hấp dẫn của khu vực châu Á
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khá đồng bộ, môi trường du lịch được đảm bảo, TP Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch đẳng cấp, chất lượng cao. Du lịch Đà Nẵng trước dịch Covid-19 có những tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, giai đoạn 2010 – 2019, tốc độ tăng bình quân lượng khách quốc tế lên đến 28,45%/năm.
Sau khi bị chững lại bởi dịch Covid-19, năm 2022 là năm khởi động cho du lịch quốc tế, vì vậy ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị nhiều kế hoạch cho du lịch phục hồi. Trong đó tiêu biểu nhất là sự kiện Routes Asia trong tháng 6-2022.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 17,63%/năm giai đoạn 2021 – 2030, ngành du lịch Đà Nẵng đang tập trung vào các giải pháp như tăng cường xúc tiến quảng bá đến các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống; khôi phục số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch; cơ cấu lại nguồn lực đầu tư theo hướng đầu tư có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư (PPP). Ngoài kết nối điểm đến, TP Đà Nẵng tiếp tục cùng các địa phương trong vùng và doanh nghiệp du lịch kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh hoặc được áp dụng visa điện tử khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, quy mô và trình độ nền kinh tế địa phương luôn thuộc nhóm phát triển của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2019 (trước tác động dịch Covid-19) tăng bình quân 7,71%/năm. Sau khi thực hiện các biện pháp phục hồi, 6 tháng đầu năm 2022, GRDP TP ước tăng 7,23%. Trong đó, môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng. TP Đà Nẵng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số.
Hoạt động du lịch có những dấu hiệu phục hồi tốt. Đến nay, TP Đà Nẵng đã kết nối với 6 hãng hàng không mở lại 4 đường bay quốc tế trực tiếp, gồm: Singapore, Bangkok - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia và Incheon - Hàn Quốc. Cùng với đó, nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra như: chương trình kích cầu du lịch, Diễn đàn các đường bay Châu Á, lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng, các cuộc thi sắc đẹp toàn quốc, giải Golf châu Á, tuần lễ du lịch Golf Đà Nẵng…
“Sắp tới TP sẽ trình Trung ương xem xét đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Đồng thời, Chính phủ đã cho chủ trương thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; cho phép TP nghiên cứu Đề án hình thành khu phi thuế quan, nghiên cứu phát triển Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia, nâng cấp nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng... Đây là những cơ hội và là động lực mới cho TP phấn đấu thực hiện”, ông Trần Phước Sơn nói.